Vì sao hộp đen máy bay AirAsia được ngâm trong nước ngọt sau khi vớt?

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jan 14, 2015.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 292)

    Sau khi hộp đen máy bay QZ850 được vớt lên từ biển Java, chúng lập tức được bỏ vào các thùng nước ngọt để đưa về thủ đô Indonesia phân tích.

    Theo Airliners, sau khi trục vớt thành công hộp đen máy bay nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung bị ngâm lâu ngày trong nước biển, người ta thường lập tức bỏ chúng vào các thùng nước ngọt. Đây là một quy trình phổ biến nhằm kìm hãm sự ăn mòn kim loại, đồng thời làm loãng muối và các hóa chất khác tiếp xúc với vật thể trong thời gian nằm dưới đáy biển.

    Vì vậy, sau khi được trục vớt từ biển Java vào ngày 12/1, thiết bị ghi dữ liệu hành trình của chuyến bay QZ8501, máy bay AirAsia gặp nạn hôm 28/12 khiến toàn bộ 162 người trên khoang thiệt mạng, đã được đặt vào một thùng trong suốt chứa nước ngọt để đưa từ trung tâm tìm kiếm Pangkalan Bun trên đảo Borneo tới thủ đô Jakarta.

    [​IMG]
    Thiết bị ghi dữ liệu hành trình của chuyến bay QZ8501 được đặt vào một thùng trong suốt chứa nước ngọt khi tới sân bay ở Pangkalan Bun. (Ảnh: Channel News Asia)

    Nếu để hộp đen của máy bay khô tự nhiên mà không có biện pháp can thiệp, những bộ phận của chúng, từ các chíp, vi mạch điện tử đến khớp nối, tụ điện... sẽ bắt đầu bị ăn mòn, dẫn tới hư hại, trong trường hợp xấu nhất còn bị hỏng hoàn toàn trước khi kịp chuyển tới phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích. Giữ thiết bị trong nước giúp trì hoãn quá trình ăn mòn bởi lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn lượng oxy trong không khí, do đó quá trình oxy hóa diễn ra chậm hơn.

    Thiết bị ghi âm buồng lái (CVR)thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), hai thiết bị cùng được gọi là hộp đen của máy bay, có khả năng chịu nước nhưng chúng không phải lúc nào cũng chống thấm nước hoàn toàn, nhất là sau các vụ tai nạn, lớp vỏ bảo vệ của hộp đen nhiều khả năng bị đâm thủng dưới lực tác động mạnh.

    Khi hộp đen được chuyển tới phòng thí nghiệm, các chuyên gia tại đây sẽ có biện pháp nhằm đảm bảo chúng không bị hư hại thêm. Nếu máy bay đâm xuống biển và bị ngâm trong nước, giống trường hợp xảy ra với chiếc phi cơ mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia cách đây hơn 2 tuần, chúng sẽ được đặt trong các máy làm lạnh để giữ nguyên trạng thái ẩm, tránh việc hộp đen bị khô, ảnh hưởng tới các số liệu được ghi bên trong.

    Chuyên gia sẽ tiến hành tải các dữ liệu từ hai hộp đen để tái tạo các tình huống và điều kiện trên máy bay khi tai nạn xảy ra. Quá trình này thường vài tuần hoặc vài tháng mới có thể hoàn tất. Tuy nhiên cũng có thể chỉ mất vài phút đã có thể đọc được số liệu cần thiết nếu tình trạng hộp đen còn tốt. Các nhà sản xuất hộp đen thường cung cấp cho nhà điều tra hệ thống đọc hộp đen và các phần mềm cần thiết để phân tích số liệu lấy từ chúng.

    Cả hai hộp đen ghi âm buồng lái và số liệu chuyến bay đều là những vật vô giá đối với các cuộc điều tra nguyên nhân tai nạn máy bay. Đây thường là những thứ duy nhất còn sống sót trong mỗi thảm kịch và cung cấp đầu mối quan trọng cho các nhà điều tra, vì thế công tác bảo quản cần được chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

    [​IMG]
    Nguồn KhoaHoc.com.vn
     
  2. Facebook comment - Vì sao hộp đen máy bay AirAsia được ngâm trong nước ngọt sau khi vớt?

Share This Page