Những cánh thư trẻ khiếm thị gửi chiến sĩ hải quân

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 4, 2014.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 2,420)

    Khiếm thị từ trong bụng mẹ, không thể thấy màu xanh biếc của nước biển hay màu áo hải quân, cô bé Sunny, học sinh lớp 5, mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa gửi gắm tình cảm với các chiến sĩ nhà giàn DK1 qua những dòng thư chữ nổi.


    Sunny cho biết, qua lời kể của cô giáo, cô bé tưởng tượng trong đầu mình các chú chiến sĩ hải quân sống trong một cái nhà nhỏ làm nổi lên trên mặt nước, chỉ có mấy cái cột sắt được chôn sâu xuống lòng biển, xung quanh bốn bề là nước vừa sâu vừa rộng, không có cây, không có nhà hàng xóm và cũng không có ai để làm bạn ngoài đồng đội.

    "Trong đầu cháu hiện lên bao câu hỏi, ví dụ như những cái cột nhà đó có bị gió bão làm lung lay không, ở giữa biển như thế các chú có thịt rau cá để ăn cho đủ không? Có nước ngọt để uống không? Các chú có nhớ nhà không? Chắc ba mẹ và những người thân trong gia đình nhớ các chú lắm. Càng nghĩ cháu càng cảm phục, biết ơn và yêu mến các chú nhiều hơn bởi nhờ các chú hy sinh quên mình để cháu được an tâm vui chơi, học tập", cô bé khiếm thị chưa một lần nhìn thấy bầu trời trải lòng trong cánh thư.

    [​IMG]

    Không thể nhìn thấy màu xanh của biển, mỗi em học sinh khiếm thị cảm nhận về biển cả và về các chiến sĩ hải đảo theo những cách riêng của mình. Ảnh: L.P.


    "Mùa này Sài Gòn đang là mùa mưa nên cứ mỗi lần có gió bão về cháu lại nhớ đến các chú nhiều hơn. Cháu tự hỏi ngoài biển chắc là gió mạnh lắm các chú ngủ ngon không, có đủ ấm không giữa biển mênh mông toàn nước? Chắc các chú cũng sợ giống như cháu từng đứng giữa hồ bơi một mình xung quanh toàn nước chẳng thấy gì cả. Tuy nhiên các chú đừng sợ vì có cháu luôn ở bên các chú trong lời cầu nguyện của mình", Sunny biên từng dòng chữ.

    Cùng với Sunny, hàng trăm trẻ khiếm thị thông qua chương trình “Thắp sáng niềm tin cùng biển, đảo quê hương” đã thể hiện tình cảm dạt dào dành cho các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1. Bé Phạm Đoàn Anh Thuận, học sinh lớp 6 Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, đã say sưa kể về ngôi trường của mình, ngôi trường của rất nhiều học sinh mù.

    "Đó là nơi mà chúng con chỉ có thể nghe là chính, đọc sách bằng tay với những chấm nổi nhưng rất vui các chú ạ. Hầu như các bạn không nhìn thấy đường nên thường xuyên bị tông vào cửa, tông vào nhau, đầu sưng trán u nhưng chúng con vẫn thường xuyên theo dõi thông tin, được các thầy cô dạy về vùng biển của đất nước, về các chú lính biển, các chú kiểm ngư hy sinh để làm nhiệm giữ vững vùng biển quê hương", Thuận chia sẻ.

    Cô bé khiếm thị Nguyễn Thị Bích Lê, Trung tâm Bảo trợ Khiếm thị Nhật Hồng, bày tỏ sự quan tâm đến hoàn cảnh sinh hoạt vất vả, thiếu thốn nước ngọt của các anh lính biển. Bích Lê bày tỏ sự cảm phục sâu sắc: "Nhiều khi em thắc mắc không hiểu vì sao các anh lại chọn làm lính đảo, điều gì thôi thúc các anh đến nơi xa xôi đầy hiểm nguy ấy? Phải chăng là lòng yêu nước thiết tha và nồng cháy của các anh! Và nếu không có những trái tim yêu nước như các anh, làm sao chúng em có thể có được cuộc sống bình yên".

    "Là người khiếm thị, chúng em cảm nhận màu sắc cuộc đời chỉ bằng tâm hồn mà thôi. Nhưng em biết các anh đã cống hiến toàn bộ sức lực, tuổi trẻ và tình yêu dành trọn cho đất nước mình", Bích Lê tâm sự. Cô bé ước mơ được như các anh lính biển, có thể vác súng trên vai để bảo vệ Tổ quốc.

    Ao ước một ngày nào đó sẽ được đặt chân đến vùng đất nơi các anh lính biển đang làm nhiệm vụ, tận mắt nhìn thấy quả bàng vuông là đặc sản Trường Sa, màu tím của hoa muống biển, cậu bé Phan Hải Quang muốn gửi chút nắng, chút gió đất liền để làm quà đến các anh bộ đội.

    Trong hình dung của Hải Quang, giữa chốn trùng khơi quanh năm sóng vỗ ấy, các anh phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn. Quang lo lắng vì "vào mùa mưa bão ở đất liền tụi em đã đi lại đã rất khó khăn rồi, không biết làm sao các anh có thể chống lại cái lạnh, cái rét, giữ gìn thể lực, tiếp tục bảo vệ biển đảo".

    Trong bài thơ "Tình biển", cô bé Trần Thị Thu Thủy, học sinh lớp 12A Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, trải lòng cùng những âm điệu sâu lắng:

    Mang theo dạt dào hình ảnh mẹ cha
    Giữ lại trong tim người yêu bé nhỏ
    Bỏ lại sau lưng ồn ào phố thị
    Anh lên đường với nghĩa vụ thiêng liêng
    Đến biển đảo với muôn trùng sóng vỗ
    Anh giữ đất trời biển đảo quê hương
    Giữ yêu thương qua từng dòng lưu bút
    Gửi quê nhà trong những cánh thư xa
    Làn da trắng thay bằng da rám nắng
    Gian khổ càng tôi rèn thêm ý chí
    Đem sức này bảo vệ biển yêu thương...

    Xúc động trước hàng trăm cánh thư đặc biệt với những tình cảm dạt dào của các em, Thiếu tá Phạm Ngọc Quý, Trưởng ban tuyên huấn Lữ đoàn 171 chia sẻ: “Qua những lá thư, các em cho thấy trí tưởng tượng rất sát với thực tế về cuộc sống đời thường, cả về tâm hồn, suy nghĩ của người lính đảo ở nhà giàn giữa biển khơi. Tình cảm của các em chính là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn cho chúng tôi thêm vững tấm lòng, chắc tay súng bảo vệ biển, đảo quê hương”.

    Lê Phương

    [​IMG]
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những cánh thư trẻ khiếm thị gửi chiến sĩ hải quân

Share This Page