Quá thừa thông tin có cải thiện cuộc sống?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Sep 3, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 521)

    Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên "vàng" của những câu trả lời - kỷ nguyên giải đáp. Điều này thật tuyệt nhưng cái giá phải trả cho điều này là gì?

    [​IMG]
    Triết gia La Mã Seneca cách nay gần 2000 năm từng lo lắng vấn đề quá tải thông tin, sau đó đề tài này lại bị nguội đi một thời gian dài. Ông đặt ra câu hỏi: "Ý nghĩa nào cho việc một người sở hữu vô vàn sách vở và thư viện để có thể đọc cả đời không hết?". Năm 1685, học giả Pháp Adrien Baillet cảnh báo nhiều sách "đa diện xuất hiện càng ngày càng nhiều theo một cách lạ thường" có thể phá vỡ tư tưởng của Seneca, dẫn ngược về xã hội man rợ kiểu Visigoth của người Bắc Âu thời những năm 400 sau Công nguyên. Còn đến nay, trong cuốn Too Big to Know nói về kỷ nguyên của dữ liệu không giới hạn hiện nay của David Weinberger, ông ví von nhà tiên tri Cassandra trong thần thoại Hy Lạp có vẻ như đang bị "nhấn ngập mặt vào vũng nước thông tin".
    Đến nay, chiếc điện thoại thông minh trong túi quần cho ta dễ dàng truy cập được hơn đến hàng tỉ lần thông tin so với mọi thư viện trên trái đất ở thời của triết gia Seneca. Bạn có thể biết được ngay chuyện gì đang diễn ra, từ tầm vĩ mô như vụ gì đang diễn ra Ukraine, Gaza cho tới những chuyện nhỏ nhặt nhất như cửa hàng điện máy gần nhà vừa có đợt giảm giá mặt hàng nào đó hay đứa bạn thân của bạn vừa đi chơi đâu về. Quét tay vài cái trên màn hình cảm ứng là bạn có thể biết được cách nào đi đến điểm du lịch nào nhanh nhất, tiện nhất, rẻ nhất; hay nhiệt độ nào thích hợp nhất để nướng cái bánh bông lan; hay giá nào rẻ nhất khi muốn mua chiếc iPhone 5S chính hãng...

    Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên "vàng" của những câu trả lời - kỷ nguyên giải đáp. Điều này thật tuyệt!

    Bất kỳ lúc nào, không cần phải thông minh thì ta cũng có thể tìm được câu trả lời của cả nhân loại về một câu hỏi cá nhân nào đó, chuyển dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác dễ dàng, hoặc chúng ta có thể theo dõi nhà cửa khi vắng nhà, cao xa hơn là ta truy cập được vào mã gen của ta để nhận diện được những rủi ro về bệnh tật sắp tới.



    Thông tin không phải là kiến thức hay trí khôn.



    Dĩ nhiên, thông tin không phải là kiến thức hay trí khôn, và dữ liệu có thể sai lệch. Internet là nguồn dữ liệu thiếu tính tham chiếu và chọn lọc, khi mà càng ngày càng có nhiều người tự sinh ra thông tin, tự đi tìm sự thật, tự làm nhiều phiên bản của một sự kiện nào đó. Đơn cử như "tin vịt" virus Ebola đã tới Việt Nam hồi giữa tháng 8 rồi.

    Tính riêng tư cá nhân cũng là vấn đề trong thế giới số, là nơi mọi thứ bạn nhấn chuột, bạn Like, bạn đăng tải và trang web ưa thích của bạn đều có thể bị tận dụng cho việc tiếp thị (nếu bạn may mắn), tệ hơn là dữ liệu riêng tư ấy bị lợi dụng cho việc đánh giá hoặc thậm chí tống tiền bạn. Những "dấu chân" trên mạng thường có xu hướng tạm thời, trừ khi bạn bày chúng rõ ràng như để tin nhắn trên Snapchat hoặc check-in địa điểm nào đó trên Facebook để cho bạn bè mình biết. Những ngày này, chiếc iPhone hay thậm chí cái máy điều hoà nhiệt độ cũng có thể gửi thông tin cho kẻ khác, là đối tượng mà bạn không hề muốn cho họ biết thông tin cá nhân của mình.

    Cuộc cách mạng nào cũng đều tạo ra những tổn hại khôn lường. Wikipedia giết chết bách khoa toàn thư. Ứng dụng giết chết bản đồ. Chẳng ai bỏ tiền ra mua mấy ấn bản phụ trương quảng cáo kèm theo trong mấy trang báo ngày khi mà Craigslist, Amazon, Vật giá, Chợ tốt, 5 giây,... rao miễn phí, dễ dàng tìm kiếm. Dân chủ hoá thông tin rõ ràng đang đe doạ đến giới trung gian, môi giới. Đâu ai cần người tìm khách sạn nữa nếu đã biết đến Agoda? Những tay "cò nhà" cũng sẽ sớm thất nghiệp khi người ta chỉ việc lên mạng gõ vài từ trong các trang dịch vụ nhà đất...

    Và rồi mọi thứ có vẻ như trôi tuột hết ra biển thông tin. Chúng ta không cần phải nhớ thứ gì đó nữa vì chúng ra rất dễ tìm ra chúng. GPS khiến cho cái thú đi lòng vòng khám phá thành phố chết dần chết mòn. Chúng ta dành quá nhiều thời gian lướt Facebook, trò chuyện với những người vừa gần vừa xa và không đủ thời gian tiếp xúc trực tiếp với bạn bè ngoài đời thực. Nhà hoạt động môi trường người Mỹ Bill McKibben từng viết trong cuốn sách The Age of Missing Information hồi năm 1992 rằng truyền hình đã dội bom vào ý thức con người, ngăn cản chúng ta đến với thiên nhiên. Ông cho rằng cuộc cách mạng về dữ liệu với những mô hình phức tạp và các công cụ quản lý mạng xã hội đang nâng sân chơi của nhân loại sang một hình thái khác, thế giới bên trong màn hình có thể trở nên thực hơn so với thế giới bên ngoài. Mức độ trải nghiệm đời sống thực của chúng ta đang bị "âm".

    Dù vậy, cũng phải thừa nhận những thứ bực bội khi lên mạng như quảng cáo, cửa sổ pop-up và nhiều thứ khác trên mạng cũng vẫn chỉ là cái giá rất nhỏ để cho bạn truy cập được nguồn thông tin không đáy. Chúng ta không còn cần mang theo bản đồ, compass, lịch, sổ địa chỉ, máy tính bỏ túi hay đồng hồ nữa chỉ vì chiếc điện thoại thông minh có thể thay thế mọi thứ trên bằng công thức xoay quanh những con số nhị phân 0 và 1. Album hình, bộ sưu tập nhạc, thư viện video cũng như mọi tờ báo, tạp chí, sách truyện không còn cần một không gian vật lý để bảo quản chúng nữa.

    Bây giờ, mọi thứ chúng ta làm (mua bán trực tuyến, đăng tải tin gì đó lên mạng xã hội, kê toa điện tử...) đều bổ sung vào cái kho dữ liệu mà ta gọi là Big Data. Lúc đầu nghe có vẻ ghê gớm, nhưng Big Data đang cố tạo ra một thứ thông tin tốt hơn, không phải vì nó có đủ mọi thông tin mà còn vì chúng ta sẽ có được những công cụ tốt hơn để sàng lọc, tìm kiếm, sắp xếp dữ liệu bằng những từ khoá và kết quả hiển thị ngay từ khi chúng ta gõ. Sức mạnh của điện toán cứ mỗi thập kỷ trôi qua tăng lên 10.000%; các thuật toán có thể đúc kết được ngay những toa thuốc cần có trước cả khi bác sỹ nhận được bản báo cáo chẩn đoán bệnh.

    Nhưng điều thú vị nhất về "kỷ nguyên giải đáp" mà ta đang sống là tiềm năng thay đổi chất lượng cuộc sống của chúng ta. Đặt vé xem phim chọn trước được cả chỗ ngồi mà không phải đến quầy vé ở rạp chiếu bóng gỡ được mối lo cho bạn là không đặt được vé cho người thân/bạn bè và không được ngồi chỗ tốt. Chiếc vòng tay theo dõi sức khoẻ Fitbit không chỉ cho bạn biết bạn tiêu tốn bao nhiêu calories trong một ngày mà qua đó, nó còn khuyến khích bạn nên tập thể dục/thể thao nhiều hơn để đạt được mục tiêu đốt cháy nhiều calories hơn nữa. Rất nhiều và ngày càng có nhiều ứng dụng, dịch vụ giúp tăng chất lượng cuộc sống con người hơn. Mọi dữ liệu dường như liên kết lại với nhau, biết "học" hành vi của bạn để rồi đưa ra cho bạn kết quả mà bạn mong muốn có được nhất. Có vẻ như không có gì là ngẫu nhiên, tình cờ. Bạn có thể tình cờ chat với một ai đó trên Facebook, nhưng có lẽ Facebook liên kết từ những sở thích chung của cả hai, hoặc cả hai có cùng quen vài người nào đó, chứ không còn nhiều trường hợp bỗng dưng "vấp phải nhau" ngoài đường rồi trở nên thân thiết như ông bà ta ngày xưa.

    Vậy cái giá phải trả cho kỷ nguyên giải đáp là gì, có lẽ đó là chúng ta bị mất đi tính bất ngờ, cầu may. Những thông tin đầu ngày đến với ta đều qua những luồng thông tin mà ta đã "chọn lọc" theo sở thích như tin bóng đá Anh, tin xã hội trong nước, tin thời trang Pháp... mà không có được những thông tin kỳ quái, lạ lẫm khiến ta phải trợn mắt chồm lên thích thú. Tối ưu hoá không luôn luôn là tối ưu.



    Tối ưu hoá không luôn luôn là tối ưu.



    Nhưng về tổng quan, giải đáp luôn là điều tốt cho con người, chỉ cần ta biết cách hỏi sao cho đúng.

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Quá thừa thông tin có cải thiện cuộc sống?

Share This Page