Laptop cho nhu cầu học tập

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Sep 1, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 373)

    Có nhiều yếu tố cần cân nhắc để chọn được chiếc laptop đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nhưng hai tiêu chí quan trọng nhất vẫn là việc xác định chi phí mua sắm và mục đích sử dụng, càng cụ thể càng tốt


    [​IMG]

    Bên cạnh sách vở, dụng cụ học tập cho năm học mới thì laptop đang dần trở thành một thành phần hỗ trợ việc học tập đáng được quan tâm. Không nhất thiết phải chọn cấu hình trang bị bộ xử lí mạnh, card đồ họa rời hay màn hình cảm ứng đắt tiền, bạn vẫn có thể chọn cho mình chiếc laptop theo những tiêu chí chọn lọc, giá mềm phù hợp việc học tập.

    Kinh nghiệm thực tế cho thấy dù lựa chọn của bạn như thế nào đi nữa thì hai tiêu chí quan trọng nhất vẫn là việc xác định chi phí mua sắm và mục đích sử dụng, càng cụ thể càng tốt để có sự lựa chọn phù hợp, tránh trường hợp cấu hình phần cứng quá mạnh hoặc quá yếu so với thực tế.

    Cũng cần lưu ý trường hợp có nhiều sản phẩm khác nhau đáp ứng nhu cầu, việc trực tiếp dùng thử những hàng mẫu (nếu có sẵn) tại cửa hàng sẽ giúp bạn cảm nhận, nhận xét chính xác hơn sản phẩm nào là tốt nhất theo nhu cầu cá nhân.


    [​IMG]

    Thời lượng pin
    Với thiết bị di động thì thời gian dùng pin là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt có ý nghĩa với các bạn sinh viên thường có những buổi lên lớp cả ngày hay khi học nhóm. Nếu laptop có thời lượng pin không cao sẽ mang lại nhiều phiền toái khi sử dụng. Do đó trừ những sản phẩm thuộc dòng ultrabook, bạn đọc nên chú ý đến thông số dung lượng pin khi lựa chọn.

    Bên cạnh đó, bộ xử lý (CPU) cũng là thành phần ảnh hưởng đáng kể đến thời gian dùng pin máy tính. Hiện tại, laptop trang bị chip Intel Haswell đã trở thành xu hướng chủ đạo của thị trường năm nay và các laptop dòng phổ thông mới hiện có thời lượng pin trung bình vào khoảng 4 tiếng hoặc cao hơn, chỉ với một lần sạc. Đặc biệt với một số sản phẩm Test Lab từng thử nghiệm như Dell Inspiron 14R 5437 tạo được ấn tượng tốt với thời lượng dùng pin liên tục đạt khoảng 6,5 giờ, không hề kém những mẫu ultrabook cao cấp.

    [​IMG]

    Theo ông Paul Otellni, CEO của Intel cho biết vi kiến trúc Haswell là bước ngoặt lớn của hãng trong việc cải thiện thời gian dùng pin của thiết bị hiệu quả nhất từ thế hệ chip này sang thế hệ kế tiếp. Điểm khác biệt so với Sandy Bridge, Haswell là một SoC (system on chip) đầu tiên của Intel thiết kế cho máy tính cá nhân (laptop, desktop, ultrabook nói chung) và cả thiết bị di động như smartphone lẫn tablet.

    Một thay đổi lớn nữa của Haswell là tích hợp các đơn vị quản lý điện năng PCU (Power Control Unit) cùng việc bổ sung một số trạng thái tiết kiệm năng lượng mới S0i1 và S0i3 nhằm kiểm soát tốt hơn việc sử dụng năng lượng của các thành phần nhàn rỗi. Như vậy Haswell sẽ có hiệu suất cao hơn nếu xét trên mỗi watt điện năng tiêu thụ so với Sandy Bridge đồng thời vẫn giữ được tính sẵn sàng của thiết bị.

    Kích cỡ, trọng lượng
    Kích cỡ và trọng lượng laptop cũng là điểm cần lưu ý với những bạn đọc phải thường xuyên di chuyển. Công nghệ mới giúp thiết bị máy tính ngày càng nhanh và mạnh hơn qua mỗi năm. Sự thay đổi của máy tính thậm chí còn vượt hơn những gì người dùng mong đợi.

    [​IMG]

    Việc Intel mở rộng các tiêu chuẩn đặt ra cho ultrabook không chỉ thúc đẩy sự phát triển của dòng laptop siêu di động mà còn tạo được ảnh hưởng đáng kể đến thiết kế của các dòng thông thường. Trong khi ultrabook đề cao tính di động, tính sẵn sàng và vấn đề bảo mật thì dòng laptop phổ thông có mức giá phù hợp với số đông người dùng, kiểu dáng mỏng và nhẹ hơn đồng thời vẫn đảm bảo tính di động linh hoạt và thời lượng dùng pin.

    [​IMG]

    Ngoài ra còn có một số mẫu máy tính lai với thiết kế “2 trong 1” như Asus Transformer Books, Lenovo Yoga 2 Pro, Dell XPS 12 hoặc Microsoft Surface Pro 3 cho phép chuyển đổi giữa laptop và tablet, có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng từ việc học tập, làm việc lẫn giải trí di động. Tất nhiên những laptop lai sẽ có giá cao hơn đáng kể và cũng không thể sánh bằng dòng laptop tiêu chuẩn nếu xét về kích cỡ màn hình, cổng giao tiếp hoặc hiệu năng tổng thể.

    Bàn phím, touchpad
    Bạn hãy sử dụng thử máy tính trước khi mua. Cần chú ý tới bàn phím và kích thước touchpad vì chúng liên quan trực tiếp đến việc tương tác giữa bạn và máy tính. Bàn phím với các phím nhấn kích thước lớn, khoảng cách giữa các phím hợp lý sẽ phù hợp với người dùng có cỡ tay lớn. Phím nhấn êm, độ đàn hồi tốt sẽ mang lại cảm giác phím rõ ràng, bạn dễ dàng lướt nhanh trên bàn phím khi gõ văn bản mà không sợ nhầm.

    [​IMG]

    Tốt nhất bạn nên “ướm tay” và gõ thử 1 đoạn văn bản ngắn để xem cảm giác có thoải mái không. Ngoài ra, bàn phím tích hợp đèn nền LED cũng là điểm cần lưu ý nếu thường xuyên sử dụng máy tính trong giảng đường thiếu ánh sáng.


    Màn hình và độ phân giải
    Nhiều người khi mua laptop chỉ quan tâm kích thước màn hình mà không biết rằng độ phân giải chuẩn cũng khá quan trọng. Về lý thuyết thì độ phân giải màn hình và mật độ điểm ảnh càng cao sẽ hiển thị hình ảnh chi tiết và sắc nét hơn. Tuy nhiên trên thực tế với màn hình 13,3 inch hỗ trợ độ phân giải chuẩn Full HD (1.920 x 1.080 pixel), các cửa sổ ứng dụng trong giao diện desktop cũng thu nhỏ đáng kể so với màn hình cùng kích thước có độ phân giải WXGA (1.366 x 768 pixel).

    Tùy theo nhu cầu mà bạn đọc chọn lựa kích thước màn hình, độ phân giải chuẩn phù hợp nhưng lý tưởng vẫn là màn hình kích thước 14 inch. Laptop màn hình cỡ nhỏ (dưới 14 inch) có ưu điểm là sự gọn nhẹ, tính di động cao nhưng lại không phù hợp cho việc học tập, nhất là khi phải chạy nhiều ứng dụng cùng lúc sẽ không đủ không gian màn hình hiển thị.

    Chẳng hạn nếu cần làm việc cùng lúc với 2 văn bản ở chế độ “view side by side”thì màn hình kích thước lớn sẽ hiển thị đầy đủ, chi tiết. Do vậy với nhu cầu phổ thông thì laptop có màn hình từ 14 inch trở lên sẽ là lựa chọn tốt hơn.

    Dịch vụ hậu mãi
    Phần lớn người dùng ít quan tâm đến dịch vụ hậu mãi hoặc bảo hành vì không ai muốn nghĩ đến chuyện sản phẩm mới mua đã hỏng. Quan niệm này được xem là khá cứng nhắc và sai lầm. Tốt nhất bạn nên chọn mua sản phẩm tại nhà phân phối chính thức hoặc các cửa hàng bán lẻ uy tín để tránh phải thời gian chờ đợi hay phải thường xuyên lui tới trung tâm bảo hành khi laptop gặp sự cố.

    Bên cạnh đó, một số hãng laptop áp dụng chính sách bảo hành linh hoạt hơn, nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Chẳng hạn Dell và HP triển khai dịch vụ chính sách bảo hành tận nơi. Theo cam kết của Dell, đây là dịch vụ hoàn toàn miễn phí dành cho khách hàng mua laptop chính hãng tại Việt Nam. Khi máy tính gặp sự cố, các kỹ sư của Dell sẽ tư vấn, hướng dẫn hoặc trực tiếp đến tận nơi theo yêu cầu trong trường hợp khách hàng không có thời gian đem máy đến trung tâm bảo hành.

    Trong khi đó HP cũng vừa làm mới dòng laptop Pavilion và áp dụng chính sách bảo hành đến 2 năm. Cũng nhân dịp này, HP giới thiệu gói dịch vụ “bảo hành VIP” áp dụng riêng cho dòng sản phẩm trên (Pavilion dòng p và v), trong đó các lỗi cơ bản sẽ được khắc phục nhanh trong khoảng 30 phút, đại diện HP cho biết.

    [​IMG]


    Phần mềm chống virus
    Có thể xem phần mềm chống virus là lớp bảo vệ đầu tiên của máy tính. Với sự bùng nổ Internet ngày nay thì việc máy tính bị lây nhiễm virus, spyware, malware hay phần mềm độc hại nói chung là điều khó tránh khỏi. Vì vậy dù muốn dù không thì chúng ta vẫn cần một chương trình phòng chống virus hiệu quả.

    Phần mềm chống virus thường được phân thành 4 loại là miễn phí, trả phí, bộ phần mềm chống virus tích hợp nhiều tính năng (suite) và bộ phần mềm chống virus tích hợp nhiều tính năng cao cấp (premium suite). Tùy thuộc tính chất công việc mà bạn đọc có sự lựa chọn phù hợp. Phần mềm chống virus miễn phí (gọi tắt là phần mềm miễn phí) thường chỉ chú trọng việc phòng chống virus và malware (phần mềm đơn năng) và chúng không hỗ trợ nhiều tính năng như phần mềm trả phí và bộ phần mềm đa năng.

    Với nhu cầu học tập, bạn đọc có thể chọn một trong những phần mềm chống virus miễn phí tốt nhất như Avast Free Antivirus, AVG hoặc Avira AntiVir Personal. Điểm khác biệt giữa phần mềm miễn phí và trả phí là tính năng và hỗ trợ kỹ thuật. Thực tế cho thấy rất ít phần mềm chống virus miễn phí có hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến, điện thoại miễn phí nên khi gặp sự cố, thường thì bạn phải “tự lo lấy thân”.

    Các phần mềm có phí tốt nhất trong năm 2014 như Kaspersky Antivirus, Norton Antivirus và Bitdefender Antivirus Plus đều có thể đáp ứng nhu cầu bảo mật, hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết. Do vậy, bạn nên nghiêm túc xem xét việc đầu tư một khoản không lớn lắm cho việc này.


    PC World VN, 05/2014


    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Laptop cho nhu cầu học tập

Share This Page