Vì sao người dùng di động dễ dàng bị “móc túi”?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Aug 14, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 351)

    (XHTT) Nếu được cài lên điện thoại, phần mềm này sẽ tự động nhắn tin đến đầu số tính phí, sau đó tải ứng dụng gốc (ứng dụng bị giả mạo) và tiến hành cài đặt như bình thường. Bạn vẫn cài được ứng dụng mình muốn, tuy nhiên sẽ bị mất tiền oan mà không hề hay biết.


    Từ đầu năm 2014 đến nay, liên tiếp xảy ra những vụ lừa đảo nhắm vào người dùng di động tại Việt Nam, gây tổn thất lên đến hàng trăm tỷ đồng.

    [​IMG]

    Câu hỏi đặt ra là: Lý do nào khiến người sử dụng điện thoại trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo? Và làm thế nào để họ không bị “móc túi”?

    Các chuyên gia của Bkav đã nghiên cứu, phân tích và tìm ra câu trả lời.

    Thực trạng

    Việc lừa đảo nhắm tới người dùng di động đã trở thành một ngành “công nghiệp đen”. Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, trong 5 tháng đầu năm 2014 có tới 22,7% smartphone tại Việt Nam từng bị nhiễm mã độc. Tính ra mỗi ngày, người sử dụng bị "móc túi" số tiền khổng lồ lên tới 3,9 tỷ đồng.

    Trong khi đó, số liệu từ hệ thống phần mềm Bkav Mobile Security cho thấy, từ đầu năm đến nay, 71% người dùng smartphone tại Việt Nam liên tục bị làm phiền bởi tin nhắn rác. Không ít trong số này đã trở thành nạn nhân của những vụ “móc túi”.

    Theo phân tích của các chuyên gia, dưới đây là những hình thức chính mà giới tội phạm đang sử dụng để “móc túi” người dùng di động tại Việt Nam.

    Phần mềm “xịn” đã an toàn?

    Hình thức dùng file cài đặt gốc để tạo ứng dụng giả mạo xuất hiện khá phổ biến. Theo đó, kẻ xấu tận dụng chính phần mềm từ các kho ứng dụng chính thống có đông người dùng. Trò chơi Fruit Ninja (ở Việt Nam thường gọi Chém hoa quả) là một ví dụ. File cài đặt của trò chơi này dễ dàng được tìm thấy trên chợ ứng dụng của Google. Kẻ xấu chỉ cần tải về, chèn thêm mã độc vào file mã nguồn của phần mềm.

    [​IMG]

    Việc này khá đơn giản nhờ sử dụng các công cụ được cung cấp phổ biến trên mạng. Phần mềm đã bị tiêm mã độc sau đó được tung lên chợ ứng dụng với tên giống hệt phần mềm “xịn”, và có thể hoạt động bình thường khi được tải về điện thoại.

    Do đó, bạn không hề hay biết mình đã trở thành nạn nhân, ngay cả khi bị trừ tiền trong tài khoản do phần mềm giả mạo tự động gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Như vậy, khi bạn tải một phần mềm có tên là Fruit Ninja, có thể “chém hoa quả” bình thường thì điều đó cũng không đảm bảo chắc chắn bạn đang sử dụng phần mềm “xịn”.

    Tạo “khai sinh giả” cho ứng dụng phổ biến

    Không quá ngạc nhiên khi đây là hình thức được kẻ xấu yêu thích, bởi việc tạo ra các phần mềm giả mạo chứa mã độc theo hình thức này là khá dễ dàng. Kẻ xấu tự tạo một ứng dụng giả mạo có tên giống với ứng dụng nổi tiếng rồi đẩy lên Internet lừa người dùng tải về. Ứng dụng giả mạo này không có tính năng nào của phần mềm bị giả mạo, mà chỉ có chức năng duy nhất là “gửi tin nhắn SMS” đến đầu số tính phí.

    [​IMG]

    Nếu được cài lên điện thoại, phần mềm này sẽ tự động nhắn tin đến đầu số tính phí, sau đó tải ứng dụng gốc (ứng dụng bị giả mạo) và tiến hành cài đặt như bình thường. Bạn vẫn cài được ứng dụng mình muốn, tuy nhiên sẽ bị mất tiền oan mà không hề hay biết.

    Cả hai hình thức trên đều lợi dụng nhu cầu tìm kiếm và tải về các phần mềm nổi tiếng. Trong khi đó, việc tạo ra ứng dụng giả mạo lại khá dễ dàng. Chính vì vậy, cứ có bất kỳ ứng dụng nào đang thu hút người sử dụng (ứng dụng mới ra, ứng dụng nổi tiếng…), ngay lập tức sẽ có hàng loạt phần mềm giả mạo ăn theo để “móc túi” người dùng.

    Bên cạnh đó, một lượng lớn mã độc cũng đã được phát tán thông qua các phần mềm hack/crack game hoặc phần mềm xem phim, ảnh sex...

    Các hình thức “truyền thống” khác

    Đơn giản, nhưng chưa lúc nào hết nóng là các hình thức lừa đảo qua tin nhắn hay “mượn điện thoại” để cài trộm phần mềm. Đáng ngạc nhiên là dù đã có rất nhiều cảnh báo được truyền thông rộng rãi nhưng số nạn nhân của các hình thức lừa đảo mang tính truyền thống này lại chưa hề thuyên giảm.

    Các đối tượng phát tán tin nhắn rác chỉ cần trang bị thiết bị viễn thông hỗ trợ nhiều SIM, được kết nối và điều khiển bằng phần mềm trên máy tính. Sau đó chuẩn bị một số nội dung thật mời gọi như “trúng thưởng”, “lô đề”, “xem bói”, “kết bạn”.

    Cuối cùng, chỉ cần một cú click chuột, hàng triệu tin nhắn rác sẽ được gửi đi và kẻ xấu chỉ cần ung dung ngồi đợi các nạn nhân bị sập bẫy.

    Thực tế cho thấy, tỷ lệ người nhận tin nhắn rác phản hồi lại có thể nhỏ, nhưng với chi phí khoảng 15.000 VNĐ/ 1 tin nhắn phản hồi, đây là nguồn siêu lợi nhuận và những kẻ phát tán spam vẫn có lãi lớn. Đây là lý do khiến cho vấn nạn spam ở Việt Nam đến nay chưa có hồi kết, thậm chí ngày càng tăng cao.

    Bạn cũng có thể bị tấn công ở tình huống ít ngờ nhất là cho mượn điện thoại. Khi điện thoại của bạn ở trong tay người khác, dù chỉ 5 phút có thể nó sẽ không còn là chiếc điện thoại mà bạn làm chủ nữa, một phần mềm nghe lén hoàn toàn có thể được cài đặt trong phúc chốc. Mọi cuộc gọi, tin nhắn, hình ảnh… của bạn đều có thể được phần mềm nghe lén ghi lại và gửi về server.

    Hậu quả là các thông tin cá nhân quan trọng từ số tài khoản, giao dịch ngân hàng, mật khẩu… đến các dữ liệu mang tính riêng tư của bạn sẽ nằm trong tay kẻ xấu. Ngoài thiệt hại về kinh tế, các rắc rối khi dữ liệu riêng tư bị lộ lọt sẽ vô cùng khôn lường.

    Cách phòng chống

    Đối với người dùng điện thoại: Để phòng tránh nguy cơ mất tiền do cài phải phần mềm giả mạo có chứa mã độc, bạn tuyệt đối không cài phần mềm từ nguồn không rõ ràng, đồng thời cẩn trọng khi kết nối điện thoại của mình với một máy tính mà không chắc máy tính đó có sạch virus hay không.

    Cảnh giác trước những tin nhắn yêu cầu bạn phải nhắn tin lại một đầu số dịch vụ, nếu đó là một thông báo trúng thưởng, bạn cần kiểm tra lại thông qua các nguồn thông tin khác hoặc kiểm tra lại với nơi thông báo. Thông thường, các dạng tin nhắn lô đề, bói toán, cờ bạc, chiếm tỷ lệ gần 100% là lừa đảo.

    Bạn không nên đưa điện thoại cho người khác dùng một cách tùy tiện, cần thiết lập mật khẩu cho màn hình khóa của điện thoại để tránh các rủi ro về việc bị cài trộm phần mềm.

    Tốt nhất bạn nên cài các phần mềm an ninh cho điện thoại để chặn tin nhắn rác, quét mã độc gửi tin nhắn tới đầu số tính phí hay mã độc nghe lén.

    Về phía cơ quan quản lý: Cần quản lý thật nghiêm việc khai thác các đầu số dịch vụ. Nạn phát tán mã độc gửi tin nhắn tới đầu số tính phí có cùng bản chất với nạn móc túi người sử dụng qua tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đều nhằm mục đích là để gửi tin hoặc gọi điện tới đầu số dịch vụ của CP (đối tác cung cấp nội dung của nhà mạng).

    Để thu hút người sử dụng, thay vì quảng bá hợp pháp, các CP đã gửi tin nhắn rác, hoặc tạo ra các cuộc gọi lỡ, nhằm lừa người sử dụng nhắn tin, gọi điện đến đầu số thu phí để thu lời. Trường hợp phát tán ứng dụng chứa mã độc là nguy hiểm hơn bởi việc gửi tin nhắn được thực hiện tự động mà người sử dụng không hề hay biết.

    Chính vì vậy, quản lý chặt việc khai thác các đầu số dịch vụ của các CP là một biện pháp để có thể loại trừ tận gốc các phần mềm chứa mã độc nhắn tin đến đầu số thu phí, và nạn phát tán tin nhắn rác.

    [Cuối tháng 7, vụ việc phát tán tin nhắn với nội dung lừa đảo liên quan đến các đầu số 7x68 và 7x77 chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Trước đó, cộng đồng “chấn động” trước thông tin gần 800.000 thuê bao di động bị trộm hơn 9 tỷ đồng vì dính “bẫy sex” tại “Chợ nội dung số mmoney.vn”.

    Đầu tháng 6, thông tin phát hiện hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam bị cài phần mềm nghe lén Ptracker của Công ty Việt Hồng cũng khiến không ít người dùng di động “lao đao”.

    Đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ việc bị cơ quan công an phát giác. Trong bản tin An ninh mạng số 2 (phát đi ngày 2/6), Bkav cũng chỉ ra virus gửi tin nhắn tới đầu số thu phí gây tổn thất lên tới 1.400 tỷ đồng mỗi năm (3,9 tỷ đồng mỗi ngày).]

    T.H

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Vì sao người dùng di động dễ dàng bị “móc túi”?

Share This Page