Vụ Crimea: Phương Tây “Uống phải ly rượu đắng”?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Mar 21, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 500)

    (XHTT) Rượu chát vốn được sử dụng trong các bàn tiệc hạng sang, dùng khai vị giúp người ta ăn ngon hơn. Nhưng trong “bàn tiệc” Crimea, hình như ly rượu phương Tây đã uống không phải rượu chát mà là “ly rượu đắng”, hoặc rượu chát đấy, nhưng người được “ngon miệng” lại là Nga.


    Câu chuyện về Ukraine đã kết thúc phần hồi 1 sau ngày 16/3 với kết quả Nga giành chiến thắng và các nước phương Tây hậm hực. Hồi tiếp theo còn phụ thuộc vào sự đánh cược của các bên. Tuy nhiên, kết cục của phần đầu, Nga đã để lại cho phương Tây nhiều bài học.

    Dưới đây là những ý kiến nhận xét và bài học được chính báo giới phương Tây rút tỉa chứ không phải từ giới truyền thông Nga và thân Nga.

    Thứ nhất, cuộc khủng hoảng này chứng tỏ một điều là, liên minh phương Tây xưa kia giờ chỉ còn là quá khứ. Các nhà phân tích cho rằng, thông qua việc người Nga ở Crimea tuyên bố muốn ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga, Tổng thống Putin đã có một “phép thử”, xem liệu cái mà phương Tây thường dùng lâu nay để chống Nga có phải là một thực thể hay không. Cuộc khủng hoảng này đã chứng minh, liên minh Âu - Mỹ được tổng thống Mỹ vận dụng để đối phó với các đe dọa, không bất biến.

    Ðiện Kremlin nhận định rằng Mỹ, mệt mỏi sau gần 13 năm chiến tranh và một Liên minh châu Âu vốn suýt gục ngã vì một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không thể có nổi sự đoàn kết hay nguồn tài nguyên để chống lại Nga tại Ukraine một cách thực sự. Trên website Politico tuần rồi, chuyên gia bình luận quốc tế Ben Judah viết: “Phương Tây giờ không còn là một liên minh thánh chiến nữa!”.

    Những mâu thuẫn ngoại giao trong cuộc khủng hoảng này cho thấy những nhận định của Nga là đúng. Ðã có những dấu hiệu bất hòa giữa một bên là Mỹ và bên kia là Ðức và Anh về loại trừng phạt nào (cần dùng) để trừng trị Nga. Chẳng hạn mới đây, trong khi Mỹ nói Nga đã bị trục xuất khỏi nhóm G8, nhưng Đức lại khẳng định Nga luôn là thành viên của nhóm này.

    [​IMG]

    Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga tới Đức.

    Với châu Âu, việc cấm vận kinh tế đối với Nga sẽ là con dao hai lưỡi, bởi khối này lệ thuộc vào Nga nhiều hơn Nga lệ thuộc vào EU rất nhiều. Cho nên ngay từ đầu, châu Âu đã lựa chọn cách không cấm vận kinh tế với Nga nhằm gây sức ép Matxcơva trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trái lại, Mỹ lại muốn dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, với các trò, như cấm vận kinh tế, đóng tài khoản của các quan chức… nhưng kỳ thực, nó không gây ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Matxcơva. Nga là quốc gia có thể hoàn toàn tự túc về mọi thứ. Đầu từ thương mại của Nga vào Mỹ thì ít nhưng các doanh nghiệp Mỹ làm ăn trên đất Nga lại nhiều. Vậy nên Nga chẳng ngại Mỹ là điều hiển nhiên.

    Thứ hai, theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, phương Tây cần phải nhìn nhận lại vai trò và vị thế của Nga trên trường quốc tế hiện nay.

    Phương Tây bất lực trước việc Nga can thiệp và Ukraine bởi họ đã đánh giá quá thấp Nga. Về sai lầm này, báo chí Pháp đã có nhiều bài phân tích khá thú vị, như: “Một bằng chứng cho thấy sự bất lực của nền ngoại giao phương Tây” (đăng trên tờ La Croix ra ngày 4/3); “Tầm hoạt động rất hạn hẹp của phương Tây” và “Một nước Mỹ mờ nhạt trước quyết tâm của Vladimir Putin” (Les Echos); “Một Tổng thống Barack Obama rất rụt rè” (Libération), đó là những cái tít ở trang nhất của các báo Pháp trong ít ngày qua.

    Ian Bremmer, một trong những chuyên gia hàng đầu về Liên Xô cũ, và là Chủ tịch cơ quan tư vấn Eurasia Group, cho rằng châu Âu và Mỹ đã đánh giá sai lệch tình hình cả về Ukraine lẫn Tổng thống Putin. Bremmer đã chỉ ra một số sơ hở của Nhà Trắng trong việc đánh giá tình hình Ukraine cũng như phản ứng của Nga.

    Đầu tiên, Washington đã ngây thơ tin vào sức mạnh của chính mình, cho rằng dù vị thế siêu cường của Mỹ đang trên đà suy yếu nhưng Mỹ vẫn còn chiếm thế thượng phong.

    Sơ hở thứ nhì là lâu nay Nhà Trắng đã lơ là với hồ sơ Ukraine, cả tin rằng khi người dân Ukraine nổi dậy chống lại Tổng thống Yanukovitch, quốc gia này hiển nhiên sẽ ngả vào vòng tay của châu Âu. Mỹ đã quên (hay chưa để tâm) rằng, quyền lợi của Nga tại Ukraine lớn gấp 10 lần so với của châu Âu. Khác với phương Tây, ông Putin có hẳn một kế hoạch, một chiến lược rất rõ ràng cho Ukraine.

    Nữa là, Mỹ đã xem thường đối phương, lầm tưởng là Nga không còn ảnh hưởng lớn đối với Ukraine. Thế là Mỹ đã làm ngơ để cho Tổng thống Yanukovitch (đã bị truất) thỏa hiệp với ba nước châu Âu và sự thỏa hiệp này bị vi phạm.

    [​IMG]

    Tổng thống Nga Putin (bên phải) gặp Tổng thống Mỹ Obama tại Enniskillen, Bắc Ai Len tháng 6/2013

    Thứ ba, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến trật tự thế giới thay đổi. Mỹ không còn là độc tôn và chính sách ngoại giao “núp lùm” của chính quyền Obama đã bị đổ bể.

    Từ khi đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, Obama đã đưa nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Libya (đứng sau châu Âu), đe dọa can thiệp quân sự vào Syria nhưng không thành, nhượng bộ Iran trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân, và giờ đây cùng châu Âu đấu với Nga về vấn đề Ukraine. Điểm chung trong tất cả những sự kiện trên là nước Mỹ dưới thời Obama đã không còn như trước, không “đầu dây mối nhợ” trong việc cầm quân đi đánh các nước như các đời tổng thống Mỹ trước đó.

    Chính bởi điểm này mà giới lập pháp cũng như giới truyền thông Mỹ đã nói ông Obama là nhu nhược, hèn nhát và làm mất vai trò lãnh đạo phương Tây của Mỹ. Nhưng nếu phân tích kỹ thì rõ ràng chính quyền Obama đã có chuyển biến rõ nét trong chính sách đối ngoại. Vừa lên nắm quyền, Obama phải đi thu dọn các chiến trường Iraq và Afghanistan do người tiền nhiệm G.W.Bush để lại. Đây là những cuộc chiến do Mỹ cầm đầu và đã tiêu tốn quá nhiều tiền bạc cũng như nhân mạng. Uy tín của Mỹ vì thế cũng bị sứt mẻ do những tiết lộ về hành vi tra tấn dã man tù nhân, giết hại dân thường… trong khi Mỹ vẫn rao giảng về tự do.

    Thấm thía điều này, Obama đã quyết định rút quân khỏi bãi lầy Trung Đông. Nhưng rồi những điểm nóng khác trên thế giới lại tiếp tục diễn ra. Ở những nơi này, chính quyền Obama đã không chọn cách cũ, không công khai dẫn đầu các cuộc can thiệp quân sự mà chọn cách núp phía sau. Bắt đầu tại Libya, Anh, Pháp dẫn đầu trận đánh, Mỹ đứng sau cố vấn. Kết quả thu được là chính quyền Kaddafi bị lật đổ trong khi Mỹ không phải đưa quân sang Libya mà vẫn được tiếng. Kế đến là Syria. Châu Âu lại dẫn đầu hô hào lật đổ chính quyền Tổng thống Al-Assad, Mỹ đứng sau “múa phụ họa”. Kết cục, chiến tranh không nổ ra nhưng chính quyền Damas phải chấp nhận giải giáp vũ khí hóa học.

    Tại Ukraine giờ đây hơi khác, dù Mỹ vẫn chọn cách đứng sau. Châu Âu là tác nhân đầu tiên gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Nhưng đối thủ lần này của Mỹ không phải là Libya hay Syria mà là Nga. Các nhà phân tích nói rằng, trong canh bạc này, Nga đã “tố lên” quá cao, khiến Mỹ và châu Âu không thể theo được. Giải pháp châu Âu và Mỹ đưa quân vào bảo vệ chính quyền Ukraine là điều không thể, trong khi các biện pháp cấm vận của họ đối với Nga không phát huy tác dụng. Nga muốn chứng tỏ một điều rằng, cục diện thế giới bây giờ không còn đơn cực, không còn một siêu cường Mỹ muốn làm gì thì làm.

    Rất có thể sau vụ Ukraine, nước Mỹ sẽ thay đổi chính sách can thiệp vào các nước khác. Chúng ta hãy chờ xem!

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Vụ Crimea: Phương Tây “Uống phải ly rượu đắng”?

Share This Page