Điểm nhấn công nghệ 2014

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Mar 4, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 437)

    Cuộc cách mạng công nghệ tiếp tục diễn ra trong ngành di động, máy tính cá nhân cũng đang chuyển mình, tivi thông minh hơn, thiết bị đeo được ngày càng hữu dụng, thế giới xe hơi tạo lập nhiều chuẩn mực mới dựa trên kết nối 4G LTE. Nhiều tiêu chuẩn công nghệ mới đang hình thành từ những cuộc đua quyết liệt của các đại gia công nghệ.


    [​IMG]

    XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ TRÊN DI ĐỘNG NĂM 2014:
    Màn hình cong và xử lí 64-bit

    Màn hình độ phân giải cao lên đến 1080p, vi xử lý 4 nhân “đổ bộ” lên hầu hết các dòng thiết bị di động, máy ảnh tích hợp từng bước xóa mờ ranh giới với máy chụp ảnh chuyên nghiệp… là những điểm nhấn nổi bật của công nghệ trên di động trong năm 2013. Vậy xu hướng công nghệ trên smartphone và tablet trong năm 2014 sẽ như thế nào?

    Màn hình cong nổi lên
    Cuối năm 2013, Samsung và LG khiến giới công nghệ sửng sốt khi tung ta hai dòng điện thoại thông minh có màn hình cong là Galaxy Round và G Flex. Điều đặc biệt là cả hai sản phẩm này đều có xuất xứ từ Hàn Quốc và cùng được trang bị màn hình OLED cong lớn, nhưng Round lại cong theo chiều ngang, trong khi Flex thì cong theo chiều dọc.

    [​IMG]
    Màn hình cong đúng nghĩa sẽ khắc phục được khá nhiều nhược điểm của màn hình phẳng thông thường, nhưng làm thế nào để “lấy lòng” người dùng mới là điều khó.


    Mặc dù sau khi xuất hiện, rất nhiều ý kiến cho rằng kiểu thiết kế màn hình cong như vậy không mang lại những trải nghiệm tốt hơn so với kiểu phẳng thông thường nhưng các nhà phân tích kỳ vọng năm 2014, xu hướng màn hình cong sẽ tiếp tục được cải tiến và sẽ được người dùng ưa chuộng. Điều này có thể sẽ thành sự thật khi bên cạnh Samsung và LG thì các hãng sản xuất di động khác cùng nhập cuộc.
    Vậy yếu tố nào khiến màn hình cong có thể sẽ trở thành xu hướng của tương lai? Trước hết, ngoài việc dễ cầm nắm hơn thì kiểu màn hình cong sẽ giúp những người “tò mò” xung quanh khó nhìn vào màn hình hơn. Bên cạnh đó, kiểu thiết kế màn hình cong sẽ hạn chế việc phản chiếu khi sử dụng ở ngoài trời sáng, nên tình trạng mất màu và mất độ tương phản cũng sẽ giảm xuống đáng kể. Với những ưu điểm như vậy nhưng với những gì mà Samsung và LG đã làm trong năm 2013 thì có lẽ vẫn chưa đủ để thuyết phục những người dùng khó tính. Để xu hướng này trở nên phổ biến hãy cần nhiều sự đầu tư và hãy cho các hãng sản xuất thêm thời gian.

    [​IMG]
    Có thể những kiểu thiết kế điện thoại như thế này sẽ giúp xu hướng màn hình cong trở nên phổ biến hơn!
    [​IMG]

    Vi xử lý 64-bit trở nên phổ biến
    Với chip A7 trên iPhone 5s, Apple đã nổ "phát súng" đầu tiên khởi động cuộc đua chip xử lí 64 bit cho các thiết bị di động trong năm 2014. Vi xử lý SoC A7 sử dụng trên iPhone 5s, iPad mini và iPad Air là chip ARM đầu tiên dùng kiến trúc xử lý 64-bit. Ngay sau màn mở đầu của Apple, nhiều hãng cũng nhanh chóng vào cuộc chơi, chẳng hạn như Qualcomm và Samsung cũng nhanh chóng tuyên bố sẽ cho ra mắt các thế hệ chip SoC 64-bit dựa trên kiến trúc ARMv8-A. Riêng chip 64-bit của Samsung sẽ được hãng tung ra vào năm 2014 cũng sẽ là bản tối ưu dựa trên thiết kế từ ARM tương tự như chip Apple A7.

    [​IMG]
    Apple A7 là vi xử lý 64-bit đầu tiên sử dụng trên di động.

    Riêng Qualcomm, ngay sau khi ra mắt phiên bản cải tiến của chip xử lý Snapdragon 800 là Snapdragon 805, thì vào tháng 12/2013 họ cũng tung ra chip SoC 64-bit đầu tiên của mình với Snapdragon 410. Đây không phải là vi xử lý cao cấp mà chỉ là dòng chip SoC tầm trung sử dụng kiến trúc 64 bit của ARM lõi Cortex-A53. Cortex-A53 là phiên bản kế thừa của Cortex-A7, có nghĩa là nó sẽ không được mạnh như các kiến trúc lõi A15 hay các lõi CPU ARM cao cấp khác. Tuy nhiên, vi xử lý này sẽ giúp Qualcomm thực hiện được kế hoạch là sẽ phát hành chip 64-bit của hãng cho các smartphone vào giữa năm 2014.
    Về khả năng hiện thực hóa “giấc mơ 64-bit” của các nhà sản xuất chip khác, thì có tin đồn cho rằng Samsung sẽ sử dụng chip Exynos 64-bit cho “át chủ bài” Galaxy tiếp theo của mình. Trong khi đó, chip Tegra 6 của Nvidia được kỳ vọng là sẽ áp dụng kiến trúc xử lý 64-bit rất có thể sẽ được ra mắt vào năm 2015.
    Về những lợi điểm của vi xử lý 64-bit trên smartphone, chúng ta có thể lấy ví dụ với chip A7 mới. Nhờ chip xử lý này mà iPhone 5s có thể chạy nhanh hơn iPhone 5 đến gấp 5 lần. Còn nếu so với iPhone đời đầu thì iPhone 5s nhanh hơn 40 lần về sức mạnh CPU và 56 lần về khả năng xử lý đồ họa, đó là về tốc độ. Ngoài ra, vi xử lý kiến trúc 64-bit có thể sử dụng nhiều hơn 4GB RAM, đây cũng là một lợi thế so với chip 32-bit cho người dùng smartphone hay đặc biệt là máy tính bảng phải thường xuyên chạy ứng dụng nặng và làm việc đa nhiệm.
    Nền tảng iOS 7 của Apple đã được thiết kế lại để sẵn sàng tương thích với chip A7 và các dòng chip sau này nữa. Các ứng dụng của hãng cũng đã được cập nhật lại khai thác triệt để sức mạnh của vi xử lý 64-bit. Tất nhiên, trong thời gian tới, các ứng dụng trên kho App Store cũng sẽ được các nhà phát triển cập nhật để có thể mang lại hiệu năng sử dụng cao nhất với vi xử lý 64-bit. Khác với iOS, hệ điều hành Android thực sự chưa sẵn sàng cho thuật toán 64-bit, nhưng Google sẽ nhanh chóng chuyển đổi để không bị tụt hậu so với đối thủ.
    Dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đã có một sự chuyển biến khá mạnh mẽ về việc đưa kiến trúc xử lý 64-bit lên di động. Điều này hứa hẹn sẽ đưa vi xử lý 64-bit trở thành một xu hướng tất yếu trong năm 2014 và trong tương lai.
    Tiếp tục nâng cấp thông số và chức năng camera
    Năm 2013 Nokia đã ghi lại một dấu ấn quan trọng trong việc tích hợp thành công một chiếc camera 41 megapixel, cảm biến 1/1,5 inch vào trong một chiếc smartphone nhỏ gọn có tên Nokia Lumia 1020. Vài tháng sau đó, hãng này lại tiếp tục “thừa thắng xông lên” với dòng phablet Lumia 1520 cũng được tích hợp camera 20 megapixel mà hiện chỉ có Sony Xperia Z1 mới xứng đáng là đối thủ với 20,7 megapixel. Nếu so với Samsung Galaxy Zoom thì Lumia 1020 sẽ không thể có được chức năng zoom quang tương tự như vậy được vì camera của dòng smartphone này được Nokia “nhét” trong một thiết bị khá nhỏ mà tương đối mỏng.

    [​IMG]
    Module camera 41 megapixel của Lumia 1020 chỉ tương đương một đồng xu.


    Không chỉ riêng Nokia hay Sony, các hãng sản xuất smartphone khác như Samsung, HTC, LG… cũng liên tục có những nâng cấp camera “khủng” cho các siêu phẩm chủ đạo của mình, nhất là việc tăng độ ổn định quang học để chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn. Samsung, LG ngoài việc tăng “số chấm” của camera thì cũng không quên tích hợp hàng loạt tính năng hỗ trợ chụp hình chuyên biệt và hữu ích. HTC thì phần nào thành công với camera UltraPixel’ (4-megapixel) của mình. Bên cạnh đó, những sản phẩm chủ đạo của các thương hiệu smartphone Trung Quốc gần đây cũng đã có những hướng tiếp cận mới lạ ở camera. Bên cạnh độ phân giải, tính năng chụp hình, quay phim tích hợp thì thiết kế kiểu dáng camera cũng được các hãng này đầu tư và đã nhận được sự thích thú của người dùng.
    Năm 2013 khởi đầu với một thiết bị di động có thể bỏ túi, chụp hình đẹp, zoom 3x như Lumia 1020 và hàng loạt các siêu camera phone độc lạ khác được tung ra, thì chắc chắn cuộc đua “chấm” của camera điện thoại và máy tính bảng vẫn tiếp tục gay cấn trong năm 2014. Khái niệm “camera phone” sẽ tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện hơn và chắc chắn với những kết quả đạt được, người dùng có thể sẽ không cần chiếc máy ảnh PnS khi đi du lịch nữa.

    Độ phân giải vượt ngưỡng 1080p
    Nhiều ý kiến cho rằng, màn hình điện thoại thông minh không cần thiết phải tăng lên độ phân giải cao hơn Full HD. Nhưng nếu so sánh giữa hai thiết bị có cùng kích thước màn hình nhưng hỗ trợ 2 mức độ phân giải 720p và 1080p thì suy nghĩ của bạn sẽ khác. Chính vì mong muốn một chất lượng hiển thị “như thật” mà các hãng cũng lao vào nghiên cứu và liên tục tăng độ phân giải màn hình cho các sản phẩm mới của mình. Samsung và LG cũng đã có lộ trình cho việc ra mắt smartphone mới trang bị màn hình có độ phân giải 2560x1440 pixel của mình trong năm 2014. Mới đây nhất, một nguồn tin từ Hàn Quốc khẳng định rằng giữa tháng 5/2014, LG sẽ tung ra dòng G3 với màn hình 5,5 inch, hỗ trợ độ phân giải 2560 x 1440. Chắc chắn năm 2014 sẽ là năm ra đời của màn hình di động siêu nét, có thể không lâu nữa, người dùng sẽ được tận mắt thấy được một chiếc smartphone hay tablet có độ phân giải 1440p hay thậm chí đến1600p trung thực như nhìn trên giấy.

    Về mặt kỹ thuật, tấm nền màn hình 1440p có điểm ảnh nhiều hơn 75% so với 1080p. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng tiêu tốn điện năng của nó cũng sẽ cao hơn, năng lượng cho việc xử lý hình ảnh đồ họa khi chơi game, trình diễn ảnh, video cũng sẽ cần nhiều hơn. Dù gặp trở ngại gì đi chăng nữa, xu hướng độ phân giải cao, siêu nét là tất yếu và chắc chắn năm 2014 chúng ta sẽ chứng kiến độ phân giải 1080p/WUXGA sẽ có mặt trên hầu hết các máy tính bảng cỡ 7 đến 8 inch, màn hình 1440p/WQXGA cũng sẽ xuất hiện trên các thiết bị 10 inch. Tình trạng răng cưa, thấy điểm ảnh sẽ không còn, người sử dụng thiết bị di động sẽ tận hưởng hình ảnh có chất lượng sắc nét và mịn màng hơn trong năm 2014 và trong tương lai.

    Máy tính bảng Windows RT không còn
    Hệ điều hành Windows RT của Microsoft sử dụng trên các thiết bị nền ARM không được lòng người dùng trong năm qua, nhất là với người dùng Việt. Khác với Windows 8 hay 8.1, Windows RT còn nhiều hạn chế, nhất là việc cài đặt ứng dụng bị hạn chế với số lượng tương thích ít ỏi trên Windows Store. Hơn nữa, trong năm 2013 chỉ có hai thiết bị dùng Windows RT bán ra là Microsoft Surface 2 và Nokia Lumia 2520 cũng hạn chế sự lựa chọn của người dùng.

    [​IMG]
    Những dòng máy tính bảng Windows RT có thể sẽ không còn trong năm 2014.

    Những phản hồi không mấy tích cực về Windows RT trong năm cũ cũng phần nào cho chúng ta thấy tương lai không mấy sáng sủa của các dòng máy tính bảng dùng Windows RT. Trừ khi việc “nhập” Windows RT và Windows Phone vào bản “Threshold” diễn ra sớm hơn so với dự kiến là vào năm 2015, nếu không, có thể sẽ chẳng có thêm một thiết bị nào từ các hãng ngoài Microsoft sử dụng Windows RT nữa. Hơn nữa, với sự cạnh tranh quyết liệt từ Intel hay AMD, năm 2014 có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dòng máy tính bảng Windows x86 mới có thời gian sử dụng pin lâu hơn, cách sử dụng cũng linh hoạt hơn. Hấp dẫn hơn nữa, các dòng tablet mới này chắc chắn sẽ được trang bị các dòng chip Bay Trail, Haswell hay Mullins. Có thể nói, Windows RT khó còn đất sống!

    Kết nối LTE trở nên phổ biến
    Đa số những sản phẩm chủ đạo của các hãng sản xuất hiện nay đều được tích hợp kết nối 4G LTE. Với kết nối này, người dùng di động thực sự thoải mái với tốc độ truy cập Internet di động đạt mức nhanh nhất, cho phép download và upload với tốc độ lên đến 150 Mbps và 50 Mbps.
    Ngoại trừ người dùng ở các nước chưa sẵn sàng hạ tầng cho kết nối 4G thì đa số người dùng đều mong muốn tận hưởng sự tiện ích của kết nối này trên smartphone và máy tính bảng. Việc tích hợp 4G LTE sẽ đẩy giá thiết bị cao hơn, nhưng những động thái của các hãng gần đây khiến cho chúng ta kỳ vọng sẽ có được trải nghiệm 4G trên các dòng smartphone tầm thấp. Chẳng hạn như sự ra mắt của bộ vi xử lý Snapdragon 410, Qualcomm ấp ủ việc tích hợp công nghệ 4G LTE vào các smartphone giá 150 USD. Chính những lợi ích của 4G LTE mang lại và những nỗ lực của các nhà sản xuất sẽ giúp cho xu hướng “phổ cập” 4G LTE không phải là điều khó trong năm 2014 nữa.


    Sức mạnh đồ họa di động bức phá
    Vi xử lý đồ họa bên trong các chip SoCs của nhiều dòng smartphone và tablet hiện tại thực sự mạnh mẽ, và trong năm 2014 hứa hẹn sẽ là năm bức phá của sức mạnh đồ họa trên di động. Dòng chip Adreno 420 của Qualcomm và series Mali-T7 ARM thực sự mang lại hiệu năng đồ họa tốt nhưng có thể sẽ phải dè chừng trước GPU của Nvidia sẽ được tích hợp vào Tegra SoC thế hệ tiếp với tên mã là "Logan" dự kiến phát hành vào năm 2014.

    [​IMG]
    Người dùng ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn ở đồ họa trên máy tính bảng và smartphone.

    Vi xử lý đồ họa Logan sẽ đi kèm với một GPU di động Kepler, có kiến trúc tương tự như card đồ họa máy tính để bàn Nvidia hiện tại. Hãng này khẳng định với công suất 2-3W, chip SoC này sẽ mang lại hiệu suất đạt mức 400 GFLOPS, vượt mặt dòng máy chơi game PlayStation 3 của Sony. Đồng thời, chip này cũng hỗ trợ đầy đủ OpenGL 4.4, DirectX 11 và CUDA 5,0 GPGPU.
    Bên cạnh đó, tại CES 2014, Nvidia cũng đã giới thiệu chip Tegra K1 với số nhân xử lý lên đến con số 192 nhân GPU (core CUDA) khiến giới công nghệ sửng sốt. Dòng chip K1 không chỉ được sử dụng trên các thiết bị di động mà còn có thể được áp dụng trên TV 4K, xe hơi hoặc các thiết bị số chạy Android.
    Đồ họa di động có sức mạnh của máy chơi game sẽ là mục tiêu của các hãng sản xuất và mong muốn của người dùng smartphone, tablet. Đây sẽ là xu hướng tất yếu sẽ phát triển trong năm 2014.

    [​IMG]

    Xu hướng giá rẻ lên ngôi
    Một vài thiết bị đến tay người dùng trong năm 2013 đã gây được tiếng vang nhờ sở hữu cấu hình mạnh nhưng có mức giá khá rẻ. Chẳng hạn như Nexus 5 với cấu hình khủng và màn hình đẹp với mức giá chỉ khoảng 7 triệu đồng. Nexus 7 cũng là dòng máy tính bảng 7 inch có giá rẻ nhưng hiệu năng và cấu hình cao. Nokia cũng tạo ấn tượng tốt với sản phẩm bán chạy nhất của năm Lumia 520 tầm trung dùng Windows Phone.
    Các hãng cần tìm cách để mang đến cho người dùng những sản phẩm chất lượng, thiết kế đẹp, cấu hình cao với mức giá hợp lý mới mong thu hút người dùng về phía mình. Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của rất nhiều hãng sản xuất cũng thúc đẩy xu hướng này trở thành điều tất nhiên trong thời gian tới.


    Công nghệ pin… bế tắc
    Chúng ta sẽ phải sử dụng pin dựa trên công nghệ lithium-ion trong một thời gian dài nữa. Có nghĩa là người dùng smartphone và tablet sẽ phải chấp nhận tình trạng phải mang pin dự phòng nếu muốn sử dụng thiết bị hơn 2 ngày. Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ được sử dụng pin dùng công nghệ lithium-air có thời lượng đạt gấp 5-15 lần so với pin lithium-ion. Pin lithium-lưu huỳnh có chi phí đầu tư thấp, dung lượng cao có thể sẽ được ra mắt trong thời gian tới. Ngoài ra, công nghệ pin sodium-ion cũng đang được nghiên cứu và áp dụng trong tương lai.


    Hệ điều hành phong phú hơn
    Android hiện đang chiếm phần lớn chiếc bánh thị phần hệ điều hành di động, nhưng năm 2014 chiều hướng có thể sẽ đổi khác. Bên cạnh iOS, Windows Phone và BlackBerry 10, thời gian tới chúng ta có thể chứng kiến sự phổ biến của các hệ điều hành Firefox OS, Sailfish OS, Ubuntu Touch, Tizen.

    [​IMG]


    Đô Nguyễn


    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Điểm nhấn công nghệ 2014

Share This Page