Ngậm ngùi nghề bác sĩ giải phẫu tử thi

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Feb 27, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 410)

    Bác sĩ Dương Thành Hổ, 55 tuổi, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, trải qua 2 thập niên gắn với việc mổ xác người mới tin rằng “nghề chọn người” chứ không phải “người chọn nghề”.
    Khi còn là một cậu học sinh cấp ba, ông đã rất nỗ lực để sau này được mặc chiếc áo blouse trắng như mơ ước từ thuở thiếu thời. "Mơ ước được trở thành bác sĩ chứ chẳng ai lúc đó dám nghĩ đến cụ thể là bác sĩ pháp y", vị trưởng khoa bộc bạch.
    Hiện giờ ông cũng được tôn vinh là bác sĩ, nhưng không như các đồng nghiệp khác là khám, chữa để đẩy lùi cho bệnh nhân sống. Ông Hổ phải liên tục tiếp xúc với các tử thi, phải mổ xẻ, phân tích xác để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của từng nạn nhân trợ giúp cho nhà chức trách làm án.
    [​IMG]
    Bác sĩ giải phẫu pháp y Dương Thành Hổ. Ảnh: Tùy Phong.
    Nghe đến cụm từ “xác chết” hay “tử thi”, nhiều người hẳn đã rợn tóc gáy chứ đừng nói gì đến việc tiếp xúc với những thi thể đã và đang trong quá trình phân hủy. Bác sĩ pháp y cũng chẳng nằm ngoài nỗi sợ này, song yêu cầu nghề nghiệp khiến họ đã vượt qua nỗi sợ hãi để hoàn thành nhiệm vụ.
    Bác sĩ Hổ nói rằng, kể cả khi phải mổ xẻ, phân tích tỉ mỉ từng chi tiết trên những xác chết mà nguy hiểm luôn rình rập bởi tử thi bị bệnh HIV, giang mai, viêm gan B, C… Nguy cơ lây nhiễm cao, giải phẫu viên cũng phải tiến hành công việc.
    "Không phải tử thi nào chúng tôi cũng biết họ mắc những loại bệnh này. Nghe tin báo có vụ chết người, chúng tôi lật đật khăn gói lên đường, đến hiện trường là bắt tay ngay vào công việc, chẳng có thời gian làm xét nghiệm. Chính vì vậy, chỉ cần một sơ xuất nhỏ là có thể bị lây nhiễm", bác sĩ Hổ tâm sự.
    Nghề này còn để lại nỗi ám ảnh khi làm việc với những vụ giết người có tính chất man rợ. Những vụ này, tử thi thường có nhiều vết thương, đồng nghĩa với việc các bác sĩ phải làm việc lâu hơn. Đã từng làm việc với hơn 10.000 xác chết, nhưng chưa có tử thi nào bác sĩ Hổ phải tiếp xúc đến gần 7 giờ liên tục như vụ 2 nạn nhân trong vụ án “giết người cướp của” tại quán cà phê Sơn Thủy ở thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai).
    Vụ án xảy ra cách đây 2 tháng, 2 nạn nhân bị hung thủ đâm chém với trên 50 vết thương trên cơ thể. Sau gần 7 tiếng đồng hồ mổ xẻ, phân tích, bác sĩ Hổ và các cộng sự đã "bắt" 2 tử thi phải lên tiếng về nguyên nhân dẫn đến cái chết, kẻ thủ ác đã ra tay như thế nào và gần như toàn bộ diễn biến quá trình phạm tội.
    “Sở dĩ chúng tôi phải phân tích kỹ từng vết thương trên cơ thể nạn nhân là để tìm ra có bao nhiêu hung khí được sử dụng trong án mạng, nạn nhân chết vì nguyên nhân gì và có bao nhiêu hung thủ trực tiếp gây án”, bác sĩ Hổ cho biết thêm.
    Theo bác sĩ Hổ, nỗi ám ảnh nhất đối với ông không phải là sự ghê rợn của những tử thi đang phân hủy, cơ thể biến dạng, mùi hôi thối nồng nặc, mà là động cơ của hung thủ trong mỗi vụ án mạng. Dù đã xảy ra từ lâu, song vụ án con giết cha ở huyện Chư Prông khiến ông Hổ không khỏi rợn người mỗi khi nghĩ đến. Ông bố thường đánh đập vợ con mỗi lần lên cơn say, còn bắt đứa con trai cầm dao phay nhọn, chém liên tục vào cây cột nhà bằng gỗ. Chính việc này đã vô tình biến đứa con thành một sát thủ.
    Trong một lần ông bố đang nằm ngủ sau một chầu nhậu bí tỉ, mẹ không có nhà, đứa con liền lấy con dao phay giết chết cha, còn dùng dao băm cắt nhiều nhát vào cơ thể cha mình. Gây án xong, hung thủ vứt dao ra rẫy cà phê rồi ung dung sang nhà hàng xóm xem phim như không có chuyện gì.
    Khi cơ quan công an xét hỏi, cậu con trai trả lời rằng: bố dùng dao tự tử. Nhưng qua các vết chém trên cơ thể nạn nhân, bác sĩ pháp y kết luận: nạn nhân bị giết hại. Bi kịch gia đình đã được vén mở, nhiều người không khỏi rùng mình vì thủ đoạn tàn ác của cậu bé 15 tuổi nhưng không khỏi chạnh lòng bởi nó quá bất hạnh khi bị đối xử tệ.
    Có những vụ giết người mà hung thủ bỏ trốn không để lại dấu vết, những vụ án được tạo hiện trường giả bởi tai nạn giao thông, chết cháy… nhưng trên xác chết nạn nhân luôn để lại dấu vết của nguyên nhân cái chết. Các bác sĩ pháp y sẽ làm rõ tử thi chết vì nguyên nhân gì, hung khí gây án là loại nào, bị sát hại, ngộ độc hay nguyên nhân khác...
    Viên bác sĩ pháp y chia sẻ: “Nếu nạn nhân chết trước, rồi mới bị đâm chém vào cơ thể, thì các cơ ở chỗ vết đâm không bị giãn. Hay việc tìm thời gian chết của tử thi dựa vào độ lớn của con giòi, cỏ xung quanh mọc như thế nào…”.
    [​IMG]
    Kỹ thuật viên giải phẫu pháp y Đặng Văn Cảnh. Ảnh: Tùy Phong.
    Với nghiệp vụ được đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn, bác sĩ pháp y đã góp một phần không nhỏ vào quá trình phá án của cơ quan điều tra, giúp những người chết oan khuất ngậm cười nơi chín suối.
    Bác sĩ pháp y luôn đối diện với những tình huống khó lường, đôi khi còn nguy hiểm không thể ngờ. Việc này xuất phát từ quan niệm của người Việt, họ luôn muốn thân nhân mình lành lặn, yên ổn ra đi. Do đó, trước nỗi đau mất mắt người thân, việc các bác sĩ mổ xẻ càng làm nỗi đau của họ tăng gấp bội.
    Cách đây vài năm, trong lúc bác sĩ Hổ đang mổ cho một tử thi ở thị xã An Khê để xác định nguyên nhân cái chết, người nhà nạn nhân cầm dao lao về phía giải phẫu viên. "Lúc đó, chúng tôi chỉ có nước bỏ chạy chứ biết làm gì hơn. Đến khi Công an đến bảo vệ thì mới tiếp tục công việc”.
    "Việc người nhà luôn đứng sau lưng chúng tôi, họ có cầm hung khí hay không làm sao mà biết và chúng tôi có thể bị đâm bất cứ lúc nào", kỹ thuật viên Đặng Văn Cảnh tiếp lời.
    Làm cái nghề mà chẳng ai muốn làm, nhưng ít ai biết rằng các bác sĩ pháp y, kỹ thuật viên tại khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai trước đây còn chịu khá nhiều thiệt thòi khi dụng cụ phục vụ công thiệc thiếu thốn, ngay cả cái phòng làm việc mấy năm nay mới xin được.
    “Trước đây, khi chưa có mặt nạ hoạt tính, chúng tôi phải tiếp xúc với các xác chết trực tiếp rất hôi thối, nên mỗi lần làm việc phải xem địa hình, địa thế, hướng gió để giảm bớt mùi hôi thối”, anh Cảnh kể lại.
    Hơn 20 năm làm việc tại bệnh viện tỉnh Gia Lai nhưng mãi đến năm 2005, nhiều người mới biết đến bác sĩ Hổ là… bác sĩ. Bởi, trước đây chưa có phòng riêng, họ phải làm việc tại nhà xác. Mỗi buổi sáng đi làm, bác sĩ Hổ và những đồng nghiệp của mình phải vào nhà xác làm việc nên nhiều người cứ tưởng ông là giám đốc nhà xác chứ không phải bác sĩ.
    An ủi lớn nhất của bác sĩ Hổ có lẽ là sự thông cảm của vợ mình: “Vợ tôi cũng công tác trong ngành y nên cô ấy hiểu và thông cảm cho tôi. Có lần mình đi khám nghiệm tử thi là phụ nữ xong, đêm về đang nằm ngủ với vợ thì bị giật mình, nhìn sang bên cạnh tưởng vợ là… tử thi”, bác sĩ Hổ bông đùa.
    Tùy Phong
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Ngậm ngùi nghề bác sĩ giải phẫu tử thi

Share This Page