Thưởng Tết 2014: Vẫn kẻ nhiều, người không có gì

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jan 13, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 386)

    (XHTT) Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, thời gian thưởng Tết năm 2014 của các doanh nghiệp dự kiến trả từ ngày 15/1 đến 29/1/2014. Trong khi thời gian nghỉ Tết năm nay của cán bộ, công chức, viên chức là 9 ngày, từ 28/1/2014 đến hết ngày 5/2/2014. Riêng công nhân được nghỉ trung bình từ 9 đến 11 ngày, tùy theo doanh nghiệp (DN), đa số là từ 28/1 đến 7/2/2014. Và tuần này, người lao động sẽ nhận được khoản thưởng Tết.


    Đỉnh - trên 700 triệu, đáy - 200 nghìn đồng

    Vẫn như những năm trước, mức thưởng Tết cao nhất năm nay với hơn 700 triệu đồng (709 triệu) vẫn thuộc một DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM.

    Đây là con số đã được Sở LĐ-TB & XH TP.HCM công bố. Mức thưởng Tết thấp nhất tại các DN ở TP.HCM là 2,8 triệu đồng/người và mức bình quân là 4,5 triệu đồng/người. Đa phần các DN thưởng Tết tương ứng với mức bình quân của một tháng lương, trong đó, DN nước ngoài khoảng 4,7 triệu đồng và DN trong nước khoảng 3,3 triệu đồng. Với DN 100% vốn Nhà nước, mức thưởng cao nhất là 52,6 triệu đồng/người, thấp nhất là 4,2 triệu đồng/người và bình quân là 7,3 triệu/người.

    [​IMG]

    Những công nhân lao động này chỉ mong dịp Tết có thưởng để có tiền về quê (Ảnh minh họa).

    Còn tại Hà Nội, trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 31/12, ông Lê Toàn Khang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH Hà Nội cho biết, mức thưởng Tết 2014 của khối DN trên địa bàn Hà Nội cao nhất là 65 triệu đồng/người và thấp nhất là 200 nghìn đồng/người. Đây là số liệu được tổng kết từ 162 DN trên địa bàn TP.Hà Nội. Riêng khối các DN có 100% vốn Nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất là 21 triệu đồng/người, mức thấp nhất là 500 nghìn đồng/người. Còn khối các DN tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất là 40 triệu đồng/người, mức thấp nhất là 500 đồng/người.

    Giáo viên: Đỉnh – nghìn đô, đáy… chỉ mong lương

    “Cứ đến hẹn… lại Tết”, hàng vạn giáo viên của cả nước lại hòa cùng mọi người tiễn năm cũ, đón năm mới. Nhưng với giới này, đa phần quà Tết vẫn chỉ “hương hoa” với gói bánh/kẹo, bịch mì chính, chai nước mắm… hay sang hơn là vài trăm nghìn đồng. Ấy nhưng, họ cũng không thoát khỏi bức tranh chung “kẻ nguyên con gà, người tay không”.

    [​IMG]



    Tại TP.HCM, theo thông tin từ nhiều trường cho hay, mức thưởng Tết 2014 dao động từ 2->3 triệu đến 10->12 triệu, thậm chí tới 20 triệu đồng/người, tùy vào cấp học, vị trí công tác trong trường và tùy quận, huyện là nội hay ngoại thành. Riêng các trường dân lập Quốc tế, có trường thưởng tới 30 triệu đồng. Nhìn chung, mức thưởng của các trường tùy thuộc vào thâm niên của giáo viên và sự cống hiến cho nhà trường.

    Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) có mức thưởng tương đối khá, trên 7 triệu đồng/người, bởi đây là trường được quyền tự chủ tài chính một phần. Các khoản tiết kiệm chi trong năm giúp họ có thêm nguồn để thưởng Tết. Trong khi giáo viên các trường huyện (Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn), năm nay bình quân mỗi giáo viên được thưởng Tết gần 2 triệu đồng/người, hơn những năm trước - thưởng “tinh thần” là chính.

    Còn tại vùng sâu, vùng xa, thưởng Tết vẫn là câu chuyện xa vời đối với giáo viên. Với nhiều thầy cô, họ đang mong lương hơn chờ thưởng. Tết năm 2014 rơi vào những ngày cuối tháng dương lịch. Theo quy định, lương của tháng trước được trả vào đầu tháng sau, thế nên nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa đã tự vấn, liệu mình có được nhận lương tháng 2/2014 trước để xài Tết hay không? Câu hỏi này phải dành cho chính quyền và các cấp quản lý giáo dục của các địa phương. Thiết nghĩ, việc uyển chuyển giải quyết công tác thanh toán lương, giống như Thủ tướng đồng ý dồn ngày nghỉ và làm bù, là hoàn toàn có thể và không phạm Luật.

    Còn nhớ, cách đây 10 năm, ngành Giáo dục từng có lương tháng 13 (thực chất là thưởng Tết) cho các giáo viên. Nhờ vậy, cái Tết của các thầy cô tươm tất hơn. Hiện khoản lương tháng thứ 13 của đội ngũ giáo viên không còn, làm cho nhiều người lâm vào cảnh “ăn trước trả sau” mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

    Và cắt giảm người để... “né” thưởng Tết

    Chắc chắn, đây là việc làm bất nhẫn nhất, tệ hại nhất đối với người lao động của giới chủ, trong khi Luật chưa đủ mạnh để ràng buộc.

    Do tình hình kinh tế khó khăn, chỉ một nhóm ngành làm ăn có lãi và có mức thưởng Tết tốt, nhưng bên cạnh đó, nhiều nhóm ngành khác đang làm ăn ì ạch, huề vốn, thậm chí thua lỗ, phải cố tích góp từng đồng để có tiền thưởng Tết, thậm chí chỉ đủ trả lương cho người lao động. Tết đã cận kề, trong khi hàng triệu người lao động đang chờ vào tiền thưởng dịp cuối năm để về quê, trang trải nợ nần hay lo một cái Tết đủ đầy.

    Để “né” thưởng Tết, không ít doanh nghiệp, từ tư nhân cho tới FDI đã nghĩ ra không ít “chiêu, trò” vào dịp này.

    Những DN sử dụng nhiều lao động chân tay thường chỉ ký hợp đồng lao động có thời hạn 6 tháng – 1 năm. Đến gần cuối năm, họ tìm cách sa thải bớt lao động để không phải ràng buộc bởi các khoản thưởng. Sau Tết, lại tuyển mới và cuối năm sau, lại tiếp diễn, Bằng cách này, họ “né” được khá nhiều thứ, không riêng tiền thưởng Tết.

    Theo Luật sư Trần Thanh Dân - đoàn Luật sư TP.HCM, "Hiện trong Luật không có quy định về thời điểm doanh nghiệp được phép sa thải người lao động, trừ phụ nữ đang mang thai. Việc kinh doanh khó khăn nên DN cắt giảm lao động là điều khó tránh, nhưng giảm vào dịp cận Tết khiến người lao động bị thiệt. Họ không những không được hưởng lương tháng 13 (theo Luật) mà còn không có tiền thưởng Tết. Thời điểm cuối năm rất khó xin việc, nếu có xin được thì mới vào làm cũng không có tiền thưởng Tết”. Để người lao động không bị thiệt thòi, theo ông Dân, cần phải bổ sung quy định về thời điểm sa thải người lao động, không được chấm dứt hợp đồng vào dịp cuối năm để bảo đảm cho người lao động có thưởng Tết.

    Theo một số nguồn tin, nhiều công nhân xa nhà đang làm việc ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... Tết này không thể về nhà, vì thưởng Tết thấp hoặc không có thưởng, trong khi đi lại ngày một khó khăn và tốn kém.

    Và theo số liệu của Tổng cục Thống kê (công bố ngày 23/12/2013), số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm trước. Trong đó, số DN đã giải thể là 9.818 DN, tăng 4,9%; số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 DN, tăng 35,7%; số DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 DN, tăng 8,6%.

    Với lượng DN giải thể và ngưng hoạt động này, đã có hàng triệu người lao động đang thất nghiệp, gặp khó trong cái Tết này.

    Thanh Trà

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Thưởng Tết 2014: Vẫn kẻ nhiều, người không có gì

Share This Page