'Đa số bệnh nhân nhiễm gan virus không có triệu chứng'

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Nov 7, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 385)

    Theo giáo sư Nguyễn Văn Mùi, để chuẩn đoán bệnh gan virus cần phải thông qua xét nghiệm bởi đa số trường hợp viêm gan virus là không có triệu chứng đặc biệt.


    - Chào các bác sĩ. Xin các bác sĩ cho em hỏi các loại viêm gan và cách phòng ngừa bệnh. Xin cảm ơn! (Phuong, 30 tuổi, TP HCM)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc:

    - Chào em! Cảm ơn em đã tham gia chương trình.

    Hiện nay có nhiều virus gây viêm gan trong đó, phải kể tới các virus viêm gan A, B, C, D, E và GB... đã được biết đến và có thể chia làm 2 loại đường lây chính: máu và đường tiêu hóa.

    Việc phòng ngừa bệnh phải dựa vào cụ thể từng loại virus mới đạt được hiệu quả. Nhóm virus gây chủ yếu qua đường máu như virus viêm gan B, C, D, GB phải được phòng ngừa bằng các biện pháp phòng tránh bệnh lây theo đường máu như an toàn truyền máu, tránh các thủ thuật xâm nhập không vô trùng và dự phòng việc lây từ mẹ sang con. Nhóm gây theo đường tiêu hóa (A và E) nên phòng tránh các bệnh lây qua đường tiêu hóa như ăn uống đảm bảo vệ sinh và an toàn. Một số virus đã có vacxin thì nên tiêm dự phòng.

    [​IMG]
    Hơn 300 câu hỏi đã được gửi tới 2 thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành và Nguyễn Văn Mùi trong những phút đầu của buổi phỏng vấn trực tuyến.

    - Chào các vị khách mời. Cho cháu hỏi thế nào là bệnh viêm gan virus ạ? Cách nhận biết ra sao? Cháu cảm ơn! (Kim Chi, 30 tuổi, Hà Nội)

    - Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Mùi:

    Viêm gan virus là một bệnh truyền nhiễm do các virus có hướng tính gan gây ra. Hiện nay, người ta đã tìm ra 7 loại virus viêm gan: A, B,C, D, E, G, TT.

    Nhiễm virus viêm gan có thể dẫn đến nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau từ người mang virus mãn tính không triệu chứng đến viêm gan virus cấp, viêm gan virus mãn tính và hậu quả để lại có thể là tới xơ gan, ung thư gan nguyên phát. Để nhận biết bệnh viêm gan virus chỉ có thể ở những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng như: mệt mỏi, đau tức vùng hạ sườn phải, chán ăn, buồn nôn, vàng mắt vàng da... Tuy nhiên, đa số trường hợp viêm gan virus là không có triệu chứng đặc biệt với các bệnh nhân viêm gan mạn tính do virus B, C gây ra. Do vậy, việc chẩn đoán được phát hiện qua xét nghiệm tìm các dấu ấn của virus viêm gan và các xét nghiệm khác.

    Tôi đi thử máu có kết quả dương tính HBsAg, bác sĩ cho tôi hỏi như vậy là bị thế nào, có nguy hiểm không? Tôi xin cảm ơn. ( Trần Huy Hùng, 43 tuổi, Hà Nội)

    - Giáo sư tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành: HBsAg là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Một người thử máu thấy HBsAg dương tính tức là người đó đang bị nhiễm virus viêm gan B. Đa số người bị nhiễm virút viêm gan B sẽ có được đáp ứng miễn dịch bảo vệ, tức là sẽ tạo được kháng thể chống HBsAg (gọi là anti-HBsAg) và loại trừ được virus viêm gan B. Người đó khi thử máu sẽ dương tính anti-HBsAg. Tuy nhiên có một số người hệ miễn dịch lại không thể tạo ra được kháng thể bảo vệ này nên thử máu lúc nào cũng dương tính với HBsAg.

    Như vậy, anh đang bị nhiễm vi rút viêm gan B. Để hiểu kỹ hơn về bệnh của mình, anh cần đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa gan mật và làm thêm các xét nghiệm: xét nghiệm chức năng gan; xét nghiệm định lượng vi rút (HBV-DNA)… Các bác sỹ sẽ tư vấn chuyên sâu hơn về trường hợp của anh.

    - Kính chào bác sĩ, em phát hiện bị nhiễm virus gan B năm 14 tuổi và chưa điều trị lần nào. Gần đây, em bị đi tiêu chảy nhiều ngày, có lúc nổi từng vùng đỏ trên người. Xin bác sĩ cho biết, em cần làm các xét nghiệm nào để biết tình trạng bệnh nhiễm virus B để kịp thời điều trị. Cảm ơn các bác sĩ. (Đào Trọng Tường, 26 tuổi, Hà Nội)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Bạn bị nhiễm virus B mạn tính. Trong thời gian gần 12 năm, nếu bạn chưa đi kiểm tra chức năng gan, dấu ấn virus, tải lượng virus thì chưa có đủ các thông tin cần thiết để chẩn đoán bệnh. Bạn có thể đến gặp các bác sĩ chuyên khoa về gan mật làm các xét nghiệm như trên và siêu âm để đánh giá tình trạng gan mật của mình. Các bác sĩ sẽ áp dụng pháp đồ điều trị thích hợp. Hiện nay, có nhiều thuốc để điều trị viêm gan B, tuy nhiên có thể chia thành 3 nhóm theo mục đích điều trị:

    - Các thuốc kháng virus.

    - Các thuốc hỗ trợ chức năng và bảo vệ tế bào gan.

    - Các thuốc kích thích điều biến miễn dịch.

    Việc điều trị sẽ phải sử dụng các phác đồ phối hợp dựa trên tình trạng thực bệnh lý của bạn để đạt được mục đích:

    - Đưa tổn thương gan của bạn về các giới hạn bình thường cho phép.

    - Tạo ra được các kháng thể đặc hiệu để loại được virus ra ngoài.

    - Phục hồi chức năng gan, giúp tái tạo tế bào gan.

    Chúc bạn mau khỏi bệnh.

    - Hiện nay tôi đang bị virut viêm gan B xin được hỏi BS là có chữa khỏi không. Cách chữa nào hiệu quả nhất. Thuốc nào hiện nay có hiệu quả nhất trong điều trị viêm gan B ạ. (Hồ Nam Bình, 32 tuổi, Hà Nội)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Viêm gan B cấp thì 90% bệnh nhân tự khỏi, chỉ có 5-10% bệnh nhân viêm gan B cấp chuyển thành mãn tính. Khi đã chuyển sang mãn tính, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn nhưng tùy từng thể bệnh. Chỉ bệnh nhân viêm gan B mãn tính thể hoạt động mới cần được điều trị. Mục tiêu điều trị viêm gan virus B mãn tính hoạt động là làm ức chế sự nhân lên của virus đến mức thấp nhất (không phát hiện được, hoặc còn gọi là âm tính). Hai là ổn định chức năng của gan, bình thường hóa các enzyme (men), ngăn chặn quá trình xơ hóa và ung thư. Có thể gọi là điều trị khỏi hoàn toàn khi mất kháng nguyên HBsAg và xuất hiện anti-HBs. Tuy vậy số này là không lớn do vậy điều trị viêm gan virus B mãn tính hoạt động chỉ cần đạt được mục đích trên.

    Cách điều trị: Hiện nay có hai nhóm thuốc được áp dụng điều trị đối với bệnh viêm gan virus B mãn tính hoạt động là: Interferon và các Nuclesid. Tùy theo mức độ bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân cụ thể mà có thể dùng một hoặc cả 2 loại trên. Cũng có thể dùng một hoặc 2 loại Nuclesid. Có nhiều loại thuốc Nuclesid đã được sử dụng như: Lamivudin, Adeforvir, Entecavir và Tenoforvir... Trong đó Entecavir và Tenoforvir hiện nay được coi là ít bị virus kháng nhất. Tuy vậy, để điều trị có hiệu quả, bạn cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa cụ thể.

    - Tôi phát hiện bị viêm gan B mạn được 2 năm nay. Khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ đều kiểm tra gan, xét nghiệm máu và kết luận gan hoạt động bình thường, không có biến chứng nên không kê thuốc điều trị. Xin bác sĩ cho biết tôi phải dùng thuốc gì để tiêu diệt virus viêm gan B này. Xin cảm ơn chương trình. (Trương Bá Thanh, 50 tuổi)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Bác bị nhiễm virus viêm gan B, do đó bác nên đi kiểm tra các xét nghiệm sau để đánh giá tình trạng bệnh:

    - Xét nghiệm máu, sinh hóa để kiểm tra chức năng gan, đặc biệt là men gan SGOT, SGPT, GGT.

    - Các xét nghiệm về virus học gồm: HBsAg, Anti-HBe, tải lượng virus (HBV-DNA), Anti-HBc.

    - Siêu âm để đánh giá chất lượng nhu mô gan.

    Nếu các triệu chứng trên cho thấy bác bị viêm gan B mạn hoạt động, cần phải điều trị kháng virus, hỗ trợ giải độc tế bào gan, kích thích miễn dịch . Nếu các chỉ số trên đều nằm trong giới hạn bình thường thì bác đang mang virus không triệu chứng, chưa cần điều trị, chỉ cần theo dõi định kỳ, từ 3 đến 6 tháng một lần tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa gan mật. Chúc bác mau khỏi bệnh.

    - Tôi bị viêm gan b, khi đi xét nghiệm có kết quả dương tính, nhưng virus ở dạng ổn định. Cho tôi hỏi dạng ổn định thì có thể chữa trị được không? Và cách điều trị kiêng kỵ thì phải như thế nao? Rất mong sự chỉ bảo của bác sỹ. Xin trân trọng cám ơn (Ha Ho)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Trường hợp của bạn có thể nói là ở thể mang virus mãn tính không triệu chứng, với nồng độ virus không cao thì tôi khuyên bạn chưa nên dùng thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy vậy bạn cần định kỳ 6 tháng đi kiểm tra nồng độ virus và enzym gan để kịp thời điều trị khi bệnh tiến triển.

    [​IMG]
    Giáo sư Nguyễn Văn Mùi.

    - Thưa bác sĩ, tôi bị viêm gan B, phát hiện dương tính từ năm 2006. Từ đó đến giờ ko có xét nghiệm đo lượng virus hay men gan gì. Nhưng từ nửa năm nay, tôi hay bị dị ứng kiểu nổi phù nề, mụn ngứa khắp người. Xin hỏi đó là triệu chứng gì ạ và cách chữa trị ạ. Cảm ơn hai bác sĩ nhiều! (Minh Phương, 32 tuổi, Hà Nội)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Trước hết phải nói dị ứng, mề đay, mụn ngứa khắp người của bạn không phải là một triệu chứng của bệnh viêm gan B. Tuy vậy bạn cần đi làm xét nghiệm enzym gan và đo tải lượng virus để xác định mức độ bệnh viêm gan B hiện tại. Về điều trị trạng thái dị ứng bạn có thể dùng các loại thuốc chống dị ứng hoặc tốt hơn bạn đến các thầy thuốc da liễu xin tư vấn.

    - Cháu bị nhiễm viêm gan B. Xin bác sĩ cho biết, hhi sinh con, con cháu có bị nhiễm không ạ? Cháu nên làm thế nào để tránh truyền bệnh sang con. Xin cảm ơn bác sĩ. (Ly Huy Kha, 25 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Trong nhiễm viêm gan B, đường lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ chu sinh (chuyển dạ sinh) thường gặp nhiều hơn cả. Do vậy, việc phòng tránh lây trong trường hợp của bạn là rất cần thiết. Trước hết, bạn nên đi xét nghiệm tải lượng virus (HBV-DNA), tình trạng miễn dịch của bạn (Anti-HBe). Nếu bạn có tải lượng virus trong máu cao, nguy cơ lây sang em bé rất lớn. Bạn nên điều trị kháng virus trước đó để đưa về dưới ngưỡng trong một thời gian ổn định, ngừng thuốc, ít nhất khoảng 3 tháng rồi sinh em bé. Vì thuốc kháng virus gây ảnh hưởng tới phát triển của thai nhi nên không thể vừa uống thuốc vừa mang thai được. Khi sinh em bé, để đảm bảo an toàn, bạn nên tiêm cho em bé gamaglobulin đặc hiệu kháng viêm gan B để dự phòng, sau đó tiêm vacxin phòng viêm gan B cho em bé.

    - Tôi là nam, 50 tuổi, bị viêm gan C năm 2011, định lượng 250.000.000 copies/ml máu, scan sơ gan ở ở mức F3 . Điều trị từ tháng 9/2011 bằng thuốc tiêm (của Pháp ) một tuần một mũi và uống 6 tháng, xét nghiệm virus dưới ngưỡng phát hiện. Sáu tháng và một năm sau sét nghiệm lại, virus dưới ngưỡng và scan sơ gan ở TT Hòa Hảo mức F1. Ngày 16/10/2013 xét nghiệm phát hiện >100.000.000 copies/ml máu. Nay điều trị được 15 ngày bằng thuốc cũ và chưa đi xét nghiệm, không xét nghiệm typs virus . Tôi làm việc ở văn phòng và đi lại với cường độ cao. Sau 6 tháng sau điều trị lần đầu có uống bia thường xuyên).
    Xin cho hỏi Bác Sỹ: 1. Nguyên nhân tái phát .
    2.Điều trị như hiện nay có được không , nếu không được thì phải làm sao , và nếu được thì thời gian là bao lâu.
    3.Cần lưu ý những vấn đề gì khác.
    Xin chân thành biết ơn Các Bác Sỹ và Đội ngũ tư vấn!
    Chúc các Thày thuốc nhiều niềm vui và sức khỏe!
    (Phạm Văn Năm)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Bạn bị viêm gan C mãn tính có tải lượng virus khá cao. Bạn đã được điều trị tuy vậy cần phải xác định týp virus để xác định thời gian điều trị. Nếu virus viêm gan C ở bạn là týp 1 thì phải điều trị đủ thời gian một năm kể cả tiêm và uống. Vậy bạn mới điều trị 6 tháng là chưa đủ do vậy việc tái phát virus trở lại là đương nhiên.

    Bạn cần đi làm xét nghiệm định týp virus và điều trị theo đúng phác đồ. Nếu sau điều trị lần này mà không có đáp ứng sau kết thúc điều trị thì bạn phải nghiên cứu dùng thêm một loại thuốc ức chế protease như Boceprevir hoặc Telaprevir (hai thuốc này hiện chưa có mặt ở Việt Nam).

    - Cháu phát hiện mình nhiễm virus viêm gan B được hơn một năm nay. Khi khởi phát, cháu có đến bệnh viện nằm điều trị một tuần và sau đó các sĩ cho về mà không hướng dẫn cách điều trị. Về nhà, cháu có uống nước chó đẻ. Sau 2 tháng cháu đi xét nghiệm, bác sĩ tiên lượng virus trong máu ở mức cho phép và kiểm soát đựơc, gan không có dấu hiệu bất thường. Nhưng đợt vừa qua, cháu đi siêu âm gan, bác sĩ kết luận gan cháu có cấu trúc thô. Xin bác sĩ tư vấn, việc này có phải do cháu bị viêm gan mà gây ra không và cháu nên điều trị bằng cách nào. Xin cảm ơn. (Lý Huy Khả)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Mặc dù xét nghiệm sinh hóa chưa thấy dấu hiệu đặc biệt nhưng virus viêm gan B phá hủy gan theo từng đợt và xét nghiệm không phải lúc nào cũng trùng vào đợt đó. Trong viêm gan virus B mạn tính, virus phá hủy từng ít một nên có nhiều bệnh nhân chỉ thấy một số triệu chứng mơ hồ như tức bụng, ăn kém, đi tiểu vàng rồi tự hết. Mỗi đợt như vậy sẽ có một số tế bào gan bị phá hủy, các tổ chức xơ phát triển xen vào tạo nên hình ảnh cấu trúc thô trong siêu âm (nhu mô gan không thuần nhất).

    Bệnh viêm gan B mạn tính có thể điều trị ổn định, một số người có thể khỏi bệnh, chiếm khoảng 10%. Cháu nên khám tại các cơ sở chuyên khoa gan mật để được tư vấn điều trị thích hợp.

    Các bác sĩ cho tôi hỏi bệnh viêm gan siêu vi B có lây qua đường ăn uống không? Nếu ăn ở chung phòng với người bi bệnh này thì nguy cơ lây lan như thế nào? Tôi xin cảm ơn! (Nguyễn Thu Hằng, 26 tuổi, Bắc Ninh)

    Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Về lý thuyết có thể lây, tuy nhiên HBV trong nước bọt là rất thấp nên có thể coi vi rút viêm gan B rất ít lây qua đường ăn uống và những tiếp xúc thông thường như ăn chung, bắt tay, làm việc chung...

    Bác sỹ cho tôi hỏi nên làm gi khi biết mình viêm gan B? Có nên đi khám thường xuyên không? Tôi có nên lập gia đình và sinh con không, nếu có thì cần lưu ý gì ? Xin cảm ơn bác sĩ và chương trình! (Nguyễn Thị Trang, 28 tuổi, Hà Nội)

    Giáo sư Nguyễn Văn Mùi.

    Bệnh nhân nên làm xét nghiệm HBsAg trong máu. Bệnh viêm gan B có thể tự giới hạn và cũng có thể điều trị ổn định. Người bị nhiễm siêu vi B vẫn lập gia đình và có con bình thường. Tuy nhiên người nhiễm siêu vi B cần được theo dõi và điều trị khi có chỉ định nhằm ngăn ngừa biến chứng bùng phát viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

    Đa số người nhiễm siêu vi B chỉ cần theo dõi định kỳ và không cần dùng thuốc. Chỉ có dưới 30% trường hợp người trẻ cần điều trị đặc hiệu. Khi điều trị thành công bệnh nhân cũng chỉ cần được theo dõi định kỳ để bảo đảm virut ngừng hoạt động. Trường hợp phụ nữ nhiễm siêu vi B khi có thai thì cần có những biện pháp riêng để ngừa lây truyền từ mẹ sang con. Tất cả những biện pháp điều trị và theo dõi cần thiết đều thực hiện được tại Việt Nam. Bạn nên đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ chuyên khoa gan mật tư vấn rõ hơn, nên điều trị ổn định trước khi sinh em bé.

    [​IMG]
    Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc.

    - Thưa bác sĩ, hai vợ chồng cháu đã đi khám và uống entercavir để diệt virus hàng ngày. Cháu muốn hỏi, thuốc này uống lâu dài có ảnh hưởng gì không? Nếu đang uống rồi thấy men gan ổn định, dừng lại một thời gian có được không hay bắt buộc cháu phải uống liên tục. (Nguyễn Dũng, 32 tuổi, TP HCM)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Entercavir là một trong những thuốc kháng virus còn có tên biệt dược là baraclude. Về lâu dài, thuốc có một số tác dụng không mong muốn (như phần chỉ định và hướng dẫn trong đơn thuốc), đặc biệt là chức năng thận. Việc ngừng thuốc khi đang điều trị không chỉ dựa vào men gan mà phải dựa vào tải lượng virus (HBV-DNA) và một số triệu chứng liên quan khác. Tuy nhiên, khi dùng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng virus kháng với entercavir. Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa gan mật làm xét nghiệm HBV-DNA để quyết định có nên ngừng thuốc hay không hay phải chuyển sang thuốc khác. Chúc bạn mau khỏi bệnh.

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Entercavir là một thuốc kháng virus tuy vậy nó cũng có thể có những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, bạch cầu, dị ứng... nhưng rất ít gặp. Bạn đã uống thuốc một thời gian dài mà chưa có dấu hiệu phản ứng phụ nào thì yên tâm uống lâu dài. Thuốc không được dừng mà phải uống liên tục cho tới khi virus âm tính và kéo dài thêm ít nhất 6 tháng đến một năm hoặc lâu hơn càng tốt. Sau khi ngừng thuốc bạn vẫn cần kiểm tra enzym gan và nồng độ virus ít nhất 6 tháng một lần.

    - Kinh chao BS:
    Cho e hoi y sau a: em di thu mau kiem tra viem gan thi phat hien co nhiem viem gan B, nhung BS kham noi em khong can phai dieu tri, chi can sau 6 thang tai kham lai. vay em dang bi nhu the nao a? va khong dieu tri thi lam sao khoi duoc a? mong BS tu van giup em.
    Em xin chan thanh cam on
    (Bao Gia, 29 tuổi, Binh Tan)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Nếu nồng độ virus viêm gan B ở bạn thấp ở mức chưa cần phải điều trị bằng các thuốc kháng virus tức là bạn mang virus mãn tính không triệu chứng. Tuy vậy bạn cũng cần phải kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần enzym gan và tải lượng virus để có thể điều trị khi cần. Mang virus mãn tính có nghĩa hầu như là mang suốt đời. Nhưng chưa phải điều trị bằng các thuốc kháng virus vì chưa có chỉ định và lại tổn thương gan của bạn hiện nay hầu như không có vậy bạn có thể yên tâm.

    - Con của tôi nay được 14 tháng tuổi. Vợ chồng tôi không nhớ rõ cháu đã tiêm ngừa phòng viêm gan B hay chưa. Xin bác sĩ cho biết, bây giờ cháu tiêm ngừa viêm gan B có được không? Tiêm bao nhiêu mũi và khoảng cách như thế nào là hợp lý. Tôi có nên đưa cháu đi xét nghiệm hay không? Tôi xin cảm ơn! (Nguyen Tuong)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Một đợt tiêm vacxin viêm gan B gồm 3 mũi, mỗi mũi tiêm cách nhau một tháng, liều lượng phụ thuộc vào can nặng và lứa tuổi. Sau 5 năm thường có một mũi tiêm nhắc lại cho các cháu để củng cố. Thông thường, sau 3 tháng trở đi, cơ thể sinh ra được kháng thể (Anti-HBs). Để chắc chắn việc tiêm vacxin thành công, sau mũi tiêm thứ 3 khoảng từ một đến 2 tháng, bạn nên cho bé đi kiểm tra kháng thể (xét nghiệm Anti-HBs). Nếu không có Anti-HBs tương đương với việc tiêm vacxin không hiệu quả.

    - Vợ chồng em muốn sinh em bé vào tháng 12 năm sau, 2014. Theo lịch, em đã chích ngừa viêm gan B được 4 lần, lần cuối sẽ tiêm vào tháng 9/2014, nhưng vợ chưa chích ngừa lần nào.Cô ấy dự định sẽ tiêm lần đầu vào tháng 11 năm nay. Vậy khoảng thời gian an toàn nhất cho cả 2 vợ chồng em chích ngừa viêm gan B tốt nhất là trước mấy tháng a.
    (Vuong Ngoc, 27 tuổi, Quang Nam)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Việc tiêm vacxin cho vợ bạn là nên, nếu vợ bạn chưa bị nhiễm virus viêm gan B. Vợ bạn có thể tiêm vacxin viêm gan B vào trước hoặc sau thời gian có thai, có nghĩa là trong thời gian có thai không có tiêm mũi vacxin nào.

    - Bố tôi bị viêm gan virus B đã ở giai đoạn xơ gan mất bù, cứ khoảng 3 tháng phải vào bệnh viện một lần. Thể trạng của bố vào mùa đông rất yếu, ăn không tiêu và không muốn ăn. Tôi dược biết, hiện nay có thể ghép gan ở Việt Nam. Vậy với bệnh viêm gan virus thì có thể ghép được không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Vũ Thị Quyên)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Về kỹ thuật, Việt Nam có thể làm phẫu thuật ghép gan. Khi bị xơ gan mất bù do viêm gan virus B giai đoạn cuối, nếu tuổi của bệnh nhân còn cho phép có thể ghép gan. Tuy nhiên, nguyên nhân gây tổn thương gan (virus viêm gan B) phải được khống chế trước đó. Người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau khi phẫu thuật vì phải sử dụng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) để làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho virus phát triển. Do đó, để tiến hành ghép gan, người bệnh nên đến các bệnh viện có chuyên ngành để được tư vấn và hướng dẫn điều trị.

    - Tôi bị viêm gan C, type 1, phát hiện tháng 4/2010, định lượng lần đầu 2.960.000 copies/ml, tôi điều trị đông y, bác sĩ cho định lượng 3 tháng 1 lần, và cho uống thuốc chủ yếu là diệp hạ châu, và thuốc bổ. tôi điều trị đến tháng 8/2013 lượng siêu vi là 8.260.000 copies/ml, tại sao lượng siêu vi liên tục tăng? Tôi có nên chuyển sang điều trị tây y không? Lượng siêu vi như vậy có ở mức nghiêm trọng không? Xin cảm ơn (Lý Hoa, 31 tuổi, Trà Vinh)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Bạn bị viêm gan C týp 1 mà có nồng độ virus khá cao lại không dùng thuốc ức chế virus, chỉ dùng Đông Y thì lượng virus tăng lên là đương nhiên. Hiện nay, viêm gan virus C đã có phác đồ điều trị chuẩn rất hiệu quả, bạn nên đến cơ sở khoa gan của các bệnh viện để được tư vấn, theo dõi và điều trị đúng. Lượng virus ở bạn khá cao tuy vậy không phải là vấn đề nghiêm trọng không điều trị được.

    Cha tôi bị viêm gan siêu vi B và đã chuyển sang ung thư gan đang điều trị. Trên cơ sở đó tôi có đi xét nghiệm kiểm tra có bị nhiễm siêu vi B hay không để tiêm phòng. Kết quả kiểm tra bác sĩ bảo tôi đã bị nhiễm siêu vi B, tuy nhiên đã bị kháng thể xem như đã được tiêm phòng. Tôi chưa hiểu rõ về hiện trạng này. Kính nhờ bác sĩ giải thích thêm về vấn đề này. (Nguyễn Như Hùng, 40 tuổi, Hà Nội)

    Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành:

    Bạn đã rất đúng khi đi xét nghiệm kiểm tra có nhiễm siêu vi B hay không để tiêm phòng. Vì xét nghiệm cho thấy bạn có bị nhiễm viêm gan siêu vi B (mang siêu vi trùng viêm gan B trong máu). Xét nghiệm này mang tên HBsAg. Một xét nghiệm khác để nhận biết bạn đã được phòng vệ với HBV là xét nghiệm có tên anti-HBs. Bạn xét nghiệm có kháng thể kháng HBV (Anti-HBsAg) tức là cơ thể đã tạo ra kháng thể, loại vi rút ra khỏi cơ thể và bạn đã lành bệnh, không cần phải tiêm phòng vaxin viêm gan B.

    [​IMG]
    Giáo sư Nguyễn Văn Mùi.

    - Cháu bị nhiễm viêm gan B, vợ cháu không bị nhiễm và đã được tiêm phòng. Vậy sinh con ra có bị nhiễm viêm gan B không ạ? (Hồ Thái Sa, 30 tuổi, Thủ Đức, TP HCM)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Với trường hợp của cháu, mặc dù đã tiêm phòng nhưng chưa được xét nghiệm Anti-HBs nên chưa chắc chắn vợ cháu có được bảo vệ hay không. Nếu xét nghiệm đã có Anti-HBs trong máu tức thì bệnh không có nguy cơ lây từ mẹ sang con.

    - Chào các bác sỹ, cho tôi hỏi, tôi bị nhiễm virus viêm gan B, đã nhiều năm rồi, giờ xét nghiệm vẫn bị dương tính tuy nhiên định lượng thì nằm trong ngưỡng thấp cho phép. Bác sỹ cho hỏi, khi tôi quan hệ với bạn gái chưa tiêm phòng virus viêm gan B thì tỷ lệ bạn gái bị nhiễm virus có cao không? Xin cám ơn. (Trần Văn Hùng)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Virus viêm gan B có thể lây truyền qua đường tình dục. Nếu bạn gái của bạn đã có kháng thể anti-HBs sau tiêm vacxin thì khả năng lây truyền sẽ ít, còn nếu chưa có anti-HBs thì khả năng lây truyền khi quan hệ là có thể.

    Vợ tôi sinh con đầu lòng được hơn 5 ngày, bác sĩ cho tôi hỏi nếu không tiêm vắc xin viêm gan B được trong vòng 24 giờ sau khi sinh thì có thể tiêm sau đó được không? Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Văn Chiến, 31 tuổi, Hà Nội)

    Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành:

    Hoàn toàn có thể được, không nhất thiết phải tiêm trong vòng 24h. Tiêm vắc xin viêm gan B tốt nhất là trong 24 giờ đầu sau khi sinh, nếu không tiêm được thì cần tiêm sớm sau đó ngay khi có thể (tiêm trong vòng 7 ngày sau sinh).

    Vắc xin viêm gan B có thể tiêm cùng 1 ngày với các vắc xin khác mà không ảnh hưởng đến sự đáp ứng miễn dịch của vắc xin.

    - Năm 2007, tôi làm hồ sơ sinh và bị chuẩn đoán virut HBsAg dương tính. Năm 2009, con trai tôi xét nghiệm thì HBsAg âm tính. Hiện nay tôi sắp sinh cháu thứ 2, xét nghiệm vẫn là HBsAg dương tính, xét nghiệm định lượng virut để đánh giá lây nhiễm cho kết quả âm tính nên bác sĩ nói con tôi ít khả năng lây nhiễm. Tôi muốn hỏi:
    1. Con trai thứ nhất của tôi chỉ cần duy trì tiêm phòng đầy đủ là có thể tránh được lây nhiễm?
    2. Chồng tôi xét nghiệm đã có kháng thể HBsAg trong máu. Vậy có cần tiêm phòng nữa không?
    3. Tôi không phân biệt được khái niệm "người mang HBsAg dương tính" và "người mang bệnh viêm gan B" có gì khác nhau không? Trường hợp của tôi được xếp vào loại nào. Cảm ơn bác sĩ.
    (Thanh Ha)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Với những dấu hiệu trên, bạn đang mang HBV (tức nhiễm virus viêm gan B mạn tính). Nhiễm virus viêm gan B mạn tính có thể không có triệu chứng hoặc có thể xuất hiện các triệu chứng viêm gan từ cấp, mạn hoặc kịch phát. Chồng bạn đã có Anti-HBs tức là có khả năng tự bảo vệ không bị nhiễm virus viêm gan B nữa. Còn với con trai thứ nhất, HBsAG âm tính tức là không bị nhiễm virus viêm gan B nhưng cháu nên đi tiêm phòng để được bảo vệ.

    Nhiễm virus viêm gan B (có thể có triệu chứng hoặc không) còn HBsAg dương tính chỉ là một xét nghiệm cho biết người đó có nhiễm virus viêm gan B hay không. Do đó, bạn nên lưu ý là không có thuật ngữ "người mang HBsAg dương tính".

    - Năm 2007 trong dịp kiểm tra sức khỏe thường xuyên phát hiện cháu bị nhiểm virus viêm gan C (Anti HCV, typ 1a). Các bác sĩ tại ĐăkLăk đã cho uống các loại thuốc bổ gan, đề nghị cháu đến các bệnh viện tại TP HCM để khám và điều trị. Vì bận công tác và thời điểm đó chưa nhận thức hết được mức độ quan trọng của việc điều trị sớm nên đến năm 2008 cháu mới khám và điều trị. Từ năm 2009 đến nay cháu liên tục điều trị bằng các loại thuốc tân dược đặc trị như: INF, Pega, Peg + Zad…. nhưng vẫn chưa có thuốc nào đáp ứng được. Theo cháu được biết thì hiện nay trên thế giới có thuốc mới là Victrelis (Boceprevir) có thể điều trị cho trường hợp của cháu. Cho cháu hỏi: Ngoài thuốc Victrelis ra thì còn có loại nào khác không ạ? Và có địa chỉ nào chuyên điều trị HCV không ạ?
    (Lê Thy Hà, Nguyễn Văn Cừ, P. Tân Lập, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐăkLăk)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Bạn bị viêm gan C đã được điều trị các trung tâm lớn như vậy có nghĩa là đã được điều trị theo phác đồ chuẩn. Trường hợp của bạn chưa đáp ứng vậy cần phải dùng thêm các thuốc ức chế protease khác như Boceprevir vafTelaprevir nhưng đáng tiếc là các thuốc ức chế protease trên chưa có mặt tại thị trường Việt Nam. Bạn có thể liên hệ với các bạn bè ở nước ngoài mua giúp.

    - Tôi vừa phát hiện viêm gan B trong đợt khám sức khỏe doanh nghiệp được 2 tháng. Tôi đang băn khoăn về việc đi khám lại cho chính xác và điều trị bệnh. Được biết bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, vậy tôi có thể khám và điều trị bệnh ở bệnh viện được không? Thời gian nào có thể gặp trực tiếp bác sĩ? (Minh Thuận, 40 tuổi, Hà Nội)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Khi khám sức khỏe, bạn phát hiện có nhiễm virus viêm gan B. Để chẩn đoán chuyên sâu và xem xét các phác đồ điều trị thích hợp, bạn có thể tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Tại đây, các bác sĩ, giáo sư chuyên khoa hàng đầu về bệnh lý gan mật sẽ khám, chẩn đoán và điều trị giúp bạn.

    Tôi bị bệnh viêm gan B 2 năm nay, bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi một chế độ ăn phù hợp, để có sức đề kháng tốt?

    Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành:

    Đối với người viêm gan cấp

    Vì người bị viêm gan cấp tính thường có các biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ khớp, có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ậm ạch, đầy hơi, khó chịu, chậm tiêu, buồn nôn và nôn… Các triệu chứng này kéo dài vài ngày đến vài tuần. Giai đoạn này bệnh nhân nên ăn nhẹ, uống nhẹ, nên ăn làm nhiều bữa và sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu. Cần lưu ý, các biểu hiện trên thường dễ chịu hơn vào buổi sáng, vì vậy bệnh nhân nên ăn nhiều hơn. Tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị, dầu, mỡ. Cần ăn nhiều các loại protein được nấu nhừ, bên cạnh đó cũng cần ăn các chất có xơ như cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh…

    Trong giai đoạn này bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, đặc biệt nước cam, nước chanh vừa tăng lượng sinh tố, vừa tăng lượng nước của cơ thể. Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia trong giai đoạn này dưới mọi hình thức vì chúng là các chất rất có hại cho tế bào gan.

    Trong trường hợp viêm gan cấp tính mức độ nặng, bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện để có được chế độ điều trị và chăm sóc hợp lý.

    Đối với người viêm gan mạn tính

    Thực phẩm sử dụng cần hết sức đa dạng trong các nhóm như rau, củ, quả, ngũ cốc, sữa và chế phẩm từ sữa, thịt cá hay trứng. Thức ăn cần cung cấp đủ năng lượng, cho bệnh nhân, phù hợp với trọng lượng chiều cao và hoạt động của cơ thể. Cần cung cấp đủ lượng protein cần thiết để tấn công bệnh tật, tái tạo gan và không thất thoát các chất cơ. Các thức ăn cần có nhiều vitamin A (như gan gà, gan lợn…) và vitamin C (cam, quýt, rau sống…)

    Rau củ và trái cây: Cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn ít nhất một loại rau có màu xanh đậm và một loại rau có màu cam (cà rốt, cà chua, bí đỏ…).

    Sữa: Mỗi ngày bệnh nhân nên dùng khoảng 500ml sữa để có đủ vitamin D, có thể sử dụng chế phẩm của sữa như sữa chua, phô mai.

    Nên dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu mè.

    Tuyệt đối bỏ rượu để bảo vệ tế bào gan và giúp gan chóng bình phục, giảm thiếu tối đa các chất quá béo, quá ngọt. Tránh xa các chất có hại: thực phẩm, rau trái cây có chất bảo quản

    Hiện nay người ta khuyến cáo với những người bị viêm gan mạn tính cần siêu âm, kiểm tra chức năng gan định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng.

    - Tôi đang điều trị viêm gan B đã được gần 1 năm. Bác sĩ cho uống tenofovir Stada. Hiện nay tôi đã uống thuốc được 1 năm. Xin hỏi bác sĩ tôi có nên dừng hay vẫn tiếp tục uống thuốc. Tôi có thể dùng các thảo dược như cà gai leo... để hỗ trợ điều trị không. (Hoàng Văn An)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Điều trị viêm gan B bằng các thuốc ức chế virus ít nhất không dưới một năm, tuy vậy phải căn cứ vào tải lượng virus. Nếu khi virus đã về âm tính thì cần điều trị thêm ít nhất 6 tháng đến 1 năm hoặc hơn. Khi ngừng thuốc phải định kỳ 6 tháng kiểm tra một lần enzym gan và tải lượng virus để kịp thời điều trị lại khi cần. Các thảo dược như cà gai leo, chó đẻ răng cưa, nhân trần, bồ bồ... có thể uống kết hợp.

    - Thưa Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Mùi, cháu xin phép được hỏi vài câu:
    Cháu bị nhiễm viêm gan B, cháu chưa điều trị theo một liệu pháp nào cụ thể cả. Công việc của cháu thường xuyên phải đi lại nhiều, tiếp khách uống bia rượu nhiều.
    Cháu xin hỏi bác sỹ là:
    1- Hiện tại, liệu pháp điều trị nào tốt nhất đối với người bị viêm gan B, và điều trị ở đâu ah?
    2- Do tính chất công việc phải tiếp khách nhiều, việc uống bia rượu là khó tránh khỏi, xin hỏi bác sỹ nếu phải uống bia rượu thì nên uống như thế nào? Cháu thấy nhiều người bảo chuyển sang uống rượu vang, vừa tốt cho đường ruột tim mạch, vừa tốt cả cho gan, có đúng không ah?
    Xin cám ơn bác sỹ, chúc bác sỹ luôn khỏe mạnh và tiếp tục điều trị được cho nhiều bệnh nhân được khỏi bệnh.
    (Đào Cường, 31 tuổi, Hà Nội)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Bạn đã nhiễm virus viêm gan B thì cần đi khám xem mình đang ở tình trạng bệnh lý nào, có cần phải điều trị hay không. Điều trị viêm gan B hiện nay có rất nhiều thuốc nuclesid chỉ cần uống hàng ngày một viên vẫn đi làm bình thường, không cần phải nằm viện.

    Khi bạn đã bị viêm gan B thì việc kiêng rượu bia là rất nên và phải làm. Kể cả rượu vang với độ cồn thấp hơn cũng không nên. Rượu vang có thể tốt với tim mạch nhưng hoàn toàn không tốt với người bị viêm gan.

    - Thưa bác sỹ, tôi biết được là hiện nay có nhiều nơi làm xét nghiệm phát hiện và định lượng HBV-DNA nhưng kết quả có khi lại khác nhau dù thử trên cùng một bệnh nhân! Do vậy, xin bác sỹ cho biết là làm thế nào để tin tưởng được một kết quả xét nghiệm HBV-DNA vì đây là một xét nghiệm mà chi phí bệnh nhân phải trả cũng không phải là ít? Tôi xin cảm ơn! ( Nguyễn Đức Tuấn, 39 tuổi, Phú Thọ)

    Phó giáo sư: Nguyễn Xuân Thành:

    Đúng là như vậy. Xét nghiệm HBV-DNA là xét nghiệm dựa trên kỹ thuật sinh học phân tử có tên gọi là Phản ứng chuỗi Polymer thời gian thực ( Real time PCR) là một kỹ thuật hoàn toàn mở. Tuy nhiên vì là hệ thống mở nên muốn kết quả xét nghiệm được chính xác thì người làm xét nghiệm phải thực hiện đủ các mẫu chứng để kiểm soát không cho các sai sót xảy ra trong quá trình làm xét nghiệm và các mẫu chứng này phải hiển thị trên kết quả xét nghiệm. Với một xét nghiệm phát hiện HBV-DNA, kết quả phải hiển thị: (1) một chứng dương để chứng minh khâu khuếch đại trong quá trình xét nghiệm đủ nhạy cảm, (2) một chứng âm để chứng minh quá trình thao tác xét nghiệm không bị ngoại nhiễm gây ra kết quả dương tính giả, (3) một chứng nội tại trong chứng âm để chứng minh khâu tách chiết DNA từ mẫu thử đạt độ nhạy, (4) và đồng thời mẫu âm tính phải có chúng nội tại để chứng minh âm tính là thật sự âm tính chứ không phải là âm tính giả. Đối với xét định lượng HBV-DNA có sử dụng các nồng độ HBV.DNA chuẩn. Tuy nhiên, các thiết bị hiện nay có nhiều thế hệ nên độ nhạy và độ đặc hiệu là khác nhau nên cần chọn cơ sở có thiết bị hiện đại nhất.

    - Khi cháu đi thử máu xét nghiệm khám sức khỏe định kỳ, phần kết luận có ghi là "có kháng thể viêm gan B". Xin bác sĩ cho biết, điều này có ý nghĩa gì? Cháu có cần tiêm ngừa viêm gan liền sau đó không? (Ngọc Liêm)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Khi được kết luận như vậy, có nghĩa bạn đã có kháng thể viêm gan B (nếu bạn chưa tiêm vacxin), tức bạn đã bị nhiễm virus viêm gan B trước đó và cơ thể bạn đã tạo ra được kháng thể và loại virus ra ngoài. Bạn đã lành bệnh. Đã có kháng thể, bạn không cần tiêm vacxin vì bạn đã có kháng thể sau nhiễm virus viêm gan B.

    Thưa bác sỹ, tôi đang được điều trị bằng thuốc kháng virus cách đây 3 tháng, cách đây vài ngày tôi có làm xét nghiệm HBV-DNA kết quả âm tính, nhưng tại sao HBeAg của tôi vẫn còn [+] với trị số OD khá cao. Tôi nghe nói là HbeAg [+] thì HBV-DNA phải [+], sao trong trường hợp này của tôi HBeAg [+] mà HBV-DNA lại [-]? ( Lê Chí Kiên, 50 tuổi, Hà Nội)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Đúng như vậy, HBeAg [+] thì chứng minh là HBV trong cơ thể bệnh nhân đang họat động và đang nhân bản, chính vì vậy mà sẽ có virus hòan chỉnh trong máu, sẽ có HBV-DNA [+]. Tuy nhiên trong trường hợp của bạn, đang được điều trị thuốc kháng virus (hiện nay có khá nhiều thuốc kháng virus dành cho nhiễm HBV rất hiệu quả), nên virus bị ngăn chận không cho nhân bản, chính vì vậy HBV-DNA biến mất khỏi máu sớm hơn là HbeAg, sẽ biến mất khỏi máu chận hơn. Chính vì HBV-DNA là một dấu ấn rất tốt để theo dõi được đáp ứng khá sớm của điều trị nên hiện nay các nhà y học thống nhất sử dụng HBV-DNA làm chỉ số theo dõi đáp ứng điều trị hơn là HBeAg.

    [​IMG]
    Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc

    - Bác sĩ cho e hỏi. Dạo gần đây em hay nóng trong người, nổi nhiều mụn và mệt mỏi ăn ko ngon. Bụng em thì to. Em cũng thường xuyên sử dụng bia nên em lo không biết có bệnh gan không? Thời gian gần nhất em khám và thử máu. Kết luận là gan nhiễm mở và nang thận phải. Em lo quá. Nhờ bác sĩ cho em lời khuyên. (Phan Huỳnh Hop, 40 tuổi, TP HCM)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Bạn cần phải khám và làm xét nghiệm kiểm tra virus viêm gan có hay không. Còn triệu chứng nóng trong người, nổi mụn ăn không ngon và mệt mỏi là triệu chứng của rất nhiều bệnh không chỉ là bệnh gan. Bụng to cũng có thể do bạn uống bia thường xuyên. Gan nhiễm mỡ cần phải được chẩn đoán nguyên nhân do bệnh viêm gan virus mạn tính hay do mỡ máu cao. Tóm lại bạn cần phải đến cơ sở chuyên khoa để xác định và tư vấn.

    Bác sĩ có thể cho tôi biết, đang bị Viêm gan siêu vi có nên tiêm phòng không? (Đỗ Mai Hoa, 30 tuổi, Hà Nội)

    Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành:

    Khi bạn đang nhiễm siêu vi gan B thì không tiêm phòng viêm gan siêu vi B được vì không có tác dụng sinh kháng thể. Trong trường hợp này tiêm phòng đến sức không có lợi gì cho bạn. Bạn nên đến các bệnh viện và bác sỹ có chuyên khoa gan mật để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi. Tiêm phòng viêm gan siêu vi B chỉ dành cho những người không nhiễm, nhằm mục đích tạo ra kháng thể là chất bảo vệ cơ thể không bị viêm gan siêu vi B.

    - Tôi bị phát hiện nhiệm viêm gan siêu vi B vào năm 1998. Từ đó đến nay tôi có uống thuốc nhưng chỉ là Diệp hạ châu. Xin hỏi bác sĩ, bệnh của tôi điều trị như vậy có đúng không? Tôi phải kiêng những đồ ăn, thức uống gì? Xin cám ơn. (Tấn Văn, 34 tuổi, Hà Nội)

    - Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành:

    Diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh lý viêm gan nói chung. Cho tới nay, chưa có công trình nào của Việt Nam chứng minh Diệp hạ châu có khả năng ức chế virus viêm gan B. Việc điều trị viêm gan của bạn bằng thảo dược này chỉ mang tính hỗ trợ, chưa có tác dụng điều trị kháng virus. Bạn nên đến các chuyên khoa gan mật để được tư vấn và điều trị đông tây y kết hợp để đạt được kết quả.

    Khi bị viêm gan, bạn nên hạn chế mỡ, kiêng các thức ăn và đồ uống có chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế uống bia rượu, nước có ga, cồn... Đồng thời, bạn nên tránh bị táo bón để hạn chế các chất độc từ ruột lên gan, không nên làm việc quá sức và lưu ý khi sử dụng một số thuốc khác có ảnh hưởng tới gan.

    Thưa bác sỹ, điều trị viêm gan siêu vi B bằng thuốc Tây hay thuốc Nam sẽ tốt hơn? Nếu uống thuốc Tây thì thời gian là bao lâu thì hết bệnh? (Nguyễn Khánh Linh, 25 tuổi, Hà Nội)

    Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành:

    Với thuốc nam điều trị: Các thuốc nam hiện nay chỉ mới chứng minh được là tác dụng hỗ trợ, chưa có thuốc nào có khả năng chống được vi rút. Rất thận trọng khi sử dụng vì nhiều lý do: chưa hiểu hết thành phần hoạt chất, tác dụng độc, và có cả nguy cơ nhiễm chất chống mốc, chất bảo quản thuốc…

    Hiện nay việc điều trị viêm gan siêu vi B có các loại thuốc chính thức được FDA công nhận gồm các loại thuốc uống diệt siêu vi và Interferon, Peg – Interferon, các thuốc kháng viêm gan B khác. Tuy nhiên chỉ định và chọn lựa loại thuốc nào tùy từng trường hợp cụ thể phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Một vài loại thuốc hỗ trợ có thể sử dụng nhưng hiệu quả chưa được ghi nhân rõ ràng.

    Thời gian điều trị viêm gan siêu vi B mạn khó xác định cụ thể, tùy vào từng trường hợp. Tuy nhiên ít nhất là phải vài năm. Trong quá trình điều trị bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ gây tình trạng bùng phát siêu vi và kháng thuốc gia tăng tỉ lệ tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan...

    - Chào các bác sĩ. Vợ chồng cháu dự định sinh con vào thời gian tới nên đã đi kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên phát hiện ra chồng cháu bị nhiễm virus viêm gan B, tuýp B, 700000000 copies/ml và có men gan cao gấp đôi bình thường. Bác sĩ chỉ định điều trị dùng thuốc diệt virus. Kết quả xét nghiệm của cháu không nhiễm virus viêm gan B, có HBsAb định lượng >700 U/L mặc dù cháu chưa tiêm vacxin lần nào.
    Cho cháu hỏi trong trường hợp này cháu có cần tiêm vacxin nữa hay ko? cháu cần những lưu ý gì trong sinh hoạt vợ chồng? và chúng cháu phải hoãn kế hoạch sinh con đến bao giờ ạ? Vì như cháu được biết là trong thời gian chồng dùng thuốc thì ko nên có con và bây giờ khi chồng chưa dùng thuốc nhưng có số lượng virus cao thì cũng ko nên có con. Cháu đang rất băn khoăn, xin bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ. Xin cám ơn bác sĩ!
    (Thảo, 31 tuổi)

    - Giáo sư Nguyễn Văn Mùi:

    Chồng bạn nhiễm virus viêm gan B có tải lượng virus cao thì việc lây sang bạn qua đường tình dục là rất có khả năng. Bạn chưa có nhiễm virus viêm gan B thì tiêm vacxin là cần thiết. Trong thời gian chồng bạn uống thuốc kháng virus vẫn có thể sinh con bình thường. Hiện nay trẻ khi mới sinh đã được tiêm ngay vacxin viêm gan B trong 24h đầu thì khả năng phòng được bệnh cho trẻ rất cao. Bạn có thể yên tâm sinh con kể cả trong giai đoạn chồng uống thuốc.

    Do thời lượng chương trình có hạn nên độc giả có câu hỏi xin gửi về email [email protected]. Hotline 0438355555.

    VnExpress

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Đa số bệnh nhân nhiễm gan virus không có triệu chứng'

Share This Page