Đại chiến hệ sinh thái phương tiện truyền thông

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Oct 30, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 290)

    Khi bạn sử dụng sản phẩm từ Amazon, Apple, Google hay Microsoft nghĩa là bạn đang tham gia vào một hệ sinh thái chứ không đơn thuần là chọn một thiết bị, ứng dụng hay dịch vụ. Bốn người khổng lồ đang nỗ lực “trói” người tiêu dùng, và đã có những thành công nhất định.


    [​IMG]

    Trong kỷ nguyên di động, cuộc chiến giữa những người khổng lồ công nghệ không chỉ xoay quanh phần cứng và phần mềm mà mở rộng quy mô gấp bội kỷ nguyên PC, với sự tham gia của các hệ sinh thái rộng lớn tạo thành từ phần cứng, phần mềm và các dịch vụ trực tuyến. Chẳng hạn việc mua một chiếc iPhone đồng nghĩa là bạn sẽ gia nhập hệ sinh thái của Apple, trả tiền cho hệ điều hành, các ứng dụng và tiếp đến sẽ là những tiện ích cài thêm, nhạc, phim, sách và nhiều thứ khác.
    Trào lưu sử dụng thiết bị riêng cho công việc (BYOD) đang làm mờ dần ranh giới giữa cuộc sống riêng tư và công việc hàng ngày, nên việc chọn mua sản phẩm gắn với một hệ sinh thái nào đó sẽ ảnh hưởng đến cách thức sử dụng cho công việc, giải trí và ngược lại. Có những người gắn bó với một hệ sinh thái cho cả công việc và giải trí cá nhân, nhưng những người khác lại chọn cho mình hai hoặc ba hệ sinh thái khác nhau tùy vào công việc hay nhu cầu giải trí.

    [​IMG]




    [​IMG]
    Chromecast – một nỗ lực của Google, hứa hẹn sẽ làm bùng nổ cuộc chiến đưa nội dung số từ thiết bị di động lên TV.

    Cuộc chiến ngày nay không chỉ diễn ra giữa Apple và Microsoft, mà còn có Google, Amazon và nhiều đối thủ khác. Bốn đấu thủ lớn đều có những sản phẩm riêng tạo nên hệ sinh thái của mình, mạnh yếu tùy từng lĩnh vực. Google và Amazon không mạnh về phần cứng, Apple và Microsoft lại yếu thế hơn trong mảng mua sắm. Microsoft có thế mạnh về game với nhiều năm kinh doanh Xbox, trong khi đó Amazon chuyên về bán sách. Cuộc chiến sinh tử đang đến với cả bốn hệ sinh thái, trên nhiều mặt trận: Sách báo, game, nhạc, mua sắm, video và một số lĩnh vực khác.


    Hành trình phát triển của các hệ sinh thái
    Amazon, Apple, Google và Microsoft có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau, vì vậy hệ sinh thái của các công ty này đã phát triển theo những cách khác nhau.
    Amazon được thành lập vào năm 1994 để bán sách qua mạng. Với tầm nhìn hệ sinh thái tích hợp xoay quanh nội dung giải trí, công ty tiếp tục mở rộng, bán đĩa CD/DVD, game, hàng điện tử… cuối cùng trở thành cửa hàng bách hóa tổng hợp, nhưng phương tiện truyền thông vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi. Amazon trở thành người khổng lồ về bán lẻ vào hàng lớn nhất thế giới, với hệ sinh thái phương tiện truyền thông cực mạnh, tích hợp chặt chẽ. Máy tính bảng Kindle Fire của công ty giúp khách hàng dễ dàng mua sách, nhạc, phim và xem các chương trình truyền hình trả tiền.

    [​IMG]
    Macintosh của Apple là chiếc máy tính đầu tiên được bán ra thị trường đại chúng với giao diện người dùng đồ họa và chuột.

    Apple sản xuất khép kín sản phẩm của mình, cả phần cứng lẫn phần mềm. Macintosh được Apple bán vào năm 1984 là chiếc máy tính đầu tiên trên thị trường đại chúng có giao diện người dùng đồ họa, điều khiển bằng chuột. Hàng loạt sáng tạo công nghệ tiếp theo như iMovie (1999), iTunes (2001), iPhoto (2002), đặc biệt là thành công với máy nghe nhạc iPod tung ra năm 2001 đã định hình chiến lược của Apple, tập trung vào việc đưa phong cách sống số tới người tiêu dùng. Tháng 4/2003, Apple giới thiệu iTunes Music Store, bán nhạc số qua mạng với giá 0,99 USD/bài và 9,99 USD/album, thay đổi hoàn toàn cách thức người dùng mua nhạc. Tới năm 2007, Apple làm rung chuyển thế giới công nghệ khi công bố “bom tấn” iPhone, với chỉ một nút duy nhất trên màn hình cảm ứng 3,5-inch, hỗ trợ thao tác chạm vuốt bằng ngón tay. Năm 2010, iPad ra đời, mở ra thị trường máy tính bảng. Trong sự kiện ra mắt iPhone 5S/5C vào tháng trước, Apple tuyên bố người mua thiết bị iOS mới sẽ được miễn phí bộ ứng dụng iWork (gồm Pages, Numbers, Keynote), iMovie và iPhoto. Công ty đã xem thiết bị di động không chỉ để tiêu thụ nội dung mà còn tạo ra nội dung. Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào các hệ sinh thái khác.
    Google được hình thành từ năm 1996 bởi Larry Page và Sergey Brin, hai nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford. Ban đầu, dịch vụ được gọi là BackRub, và chính thức mang tên Google từ năm 1997. Sinh ra vào thời Internet, trong thập kỷ đầu tiên, Google chuyên tâm trong lĩnh vực tìm kiếm Web còn chưa mấy phát triển và nhanh chóng trở thành cỗ máy tìm kiếm Web hàng đầu. Mãi hơn 10 năm sau, công ty mới thực sự vươn ra ngoài lĩnh vực tìm kiếm. Năm 2006, Google đặt bước chân đầu tiên vào thế giới phương tiện truyền thông khi mua lại YouTube nhằm cung cấp dịch vụ giải trí truyền thông cho người dùng, nhà xuất bản và quảng cáo. Với sự mở đường của YouTube, Google nhanh chóng bành trướng đế chế giải trí. Kế hoạch về hệ điều hành di động Android được công ty công bố vào năm 2007, tiếp theo là mở kho ứng dụng Android Market. Chưa dừng lại ở đó, Google tiếp tục công bố hệ điều hành đám mây Chrome OS vào năm 2009, Google TV vào năm 2010 và các dịch vụ xem phim và nghe nhạc trực tuyến vào năm 2011. Mỗi bước đi mới của Google đều tạo đà cho mảng kinh doanh tìm kiếm cốt lõi.

    [​IMG]
    Microsoft Flight Simulator 1.0.

    “Lão làng” công nghệ Microsoft do Bill Gates và Paul Allen thành lập vào năm 1975 với mục tiêu cung cấp phần mềm cho PC. Sau gần 40 năm, Microsoft đã tạo nên đế chế Windows hùng mạnh, nhưng những gì liên quan đến giải trí ban đầu dường như không có trong suy nghĩ của các nhà sáng lập. Sản phẩm đầu tay của họ là ngôn ngữ BASIC, và hệ điều hành PC-DOS có giao diện dòng lệnh ra đời vào năm 1981, theo đặt hàng của IBM. PC thời đầu chạy DOS không khiến người ta liên tưởng tới việc chơi game. Đến năm 1982, Microsoft được cấp phép một phiên bản của tựa game mô phỏng bay từ công ty subLOGIC Corporation và gọi nó là Microsoft Flight Simulator 1.0, mở ra cơ hội cho game lên PC. Trải qua nhiều năm, Microsoft đã nếm đủ vị thành bại trong địa hạt phương tiện truyền thông. Máy nghe nhạc Zune là một thất bại thảm hại, nhưng Xbox 360 là một thành công lớn, trở thành nền tảng video game được cộng đồng trên khắp thế giới hưởng ứng, với các tựa game Halo và Age of Empires. Windows Phone vẫn đang được phát triển cho các thiết bị di động, nhưng máy tính bảng Surface, đặc biệt là Surface RT bị người nhiều người cho là một sai lầm. Ngoài ra, mua sắm và sách là những mảng chưa được quan tâm.

    Sách và tạp chí
    Sách báo điện tử đang trở thành ngành kinh doanh có qui mô lớn. Báo cáo từ Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ và Nhóm nghiên cứu ngành công nghiệp sách đưa ra con số 15,12 tỷ USD doanh thu trên thị trường sách toàn cầu trong năm 2012, trong đó sách điện tử (e-book) là 3,042 tỷ USD. Theo Pricewaterhouse Coopers, tới năm 2017, doanh số bán e-book sẽ vượt sách in, với dự đoán doanh thu 8,2 tỷ USD.
    Nói đến Amazon là người ta nghĩ ngay đến sách, vì đó là nền tảng tạo nên đế chế bán lẻ Amazon. Nhà bán lẻ sách lớn nhất thế giới này hiện chiếm khoảng 60% thị trường e-book và khoảng 25% thị trường sách in. Ngoài thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) Kindle, bạn còn có thể đọc e-book mua từ Amazon bằng ứng dụng Kindle cho PC, máy Mac, thiết bị iOS và Android. Mọi thể loại sách đều có thể tìm thấy trên Amazon.com, từ truyện khoa học viễn tưởng, trinh thám, tiểu thuyết lãng mạn cho đến mọi ngành nghề kinh tế xã hội.

    [​IMG]
    Amazon là nhà bán lẻ sách lớn nhất thế giới. Đó là nền tảng tạo nên đế chế Amazon.

    Apple đã thêm mảnh ghép cuối vào mảng kinh doanh sách số vào tháng 1/2010, với sự ra đời của iBooks. Ứng dụng iOS miễn phí này là cửa ngõ dẫn người dùng iPhone tới kho sách trực tuyến iBookstore. Ở đây có hơn 1,75 triệu cuốn sách cho 155 quốc gia, mức giá phổ biến dưới 14,99 USD. Bạn có thể đồng bộ sách đã tải về từ iBookstore (tốn phí hoặc không), bổ sung vào thư viện iTunes, đọc trên máy tính hoặc thiết bị iOS. Ngoài ra, nhóm Books trong kho App Store có hơn 53.000 ứng dụng, bao gồm hỗ trợ đọc e-book của các dịch vụ cạnh tranh, như Kindle, Nook… Sạp báo Newsstand trên màn hình Home của thiết bị iOS giúp người dùng nhanh chóng truy cập tạp chí đặt mua dài hạn. Sẽ có dấu hiệu hiển thị khi tạp chí số mới được phát hành. Mặt trái là, Apple đang bị cáo buộc có hành vi cấu kết với các nhà xuất bản “làm giá” e-book.
    Kho ứng dụng Google Play khá phong phú nội dung về sách và tạp chí. Theo mô hình đa nền tảng, các tựa sách báo mua từ Google Play sẽ được tự động đồng bộ và đọc trên bất kỳ điện thoại hay máy tính bảng nào chạy Android, hoặc đọc trên thiết bị kết nối với trình duyệt Web. Google còn có dịch vụ Google Books gây tranh cãi trong ngành xuất bản vì liên quan đến quyền sao chép (scan) các ấn phẩm in.
    Nếu bạn đang tìm mua sách hay tạp chí, Microsoft không đáng quan tâm. Điều này thật sực đáng ngạc nhiên, bởi công ty đã đầu tư 300 triệu USD vào mảng kinh doanh máy đọc sách Nook của Barnes & Noble. Microsoft có hẳn một khu vực cho nhu cầu mua sách và tạp chí: Windows Store trên Windows 8 cũng như Windows Phone. Nhưng đầu sách và tạp chí trên Windows Store mới chỉ tính bằng đơn vị nghìn. Trước mắt, Microsoft đang bị rơi lại phía sau trong cuộc đua ở mảng sách báo. 

    Game
    Game là mảng kinh doanh có tiềm năng đem về lợi nhuận khủng khiếp. Theo ước tính của Microsoft, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp game vào khoảng 65 tỷ USD, trong đó game console chiếm khoảng 27 tỷ USD, với PC là 12 tỷ, 10 tỷ cho điện thoại di động và máy tính bảng, 8 tỷ cho web game trên các mạng xã hội và 8 tỷ cho thiết bị cầm tay.
    Chiến lược game của Amazon có thể tóm gọn trong một câu duy nhất: mua game và máy chơi game từ Amazon.com. Như những loại mặt hàng khác, việc chọn mua khá tiện. Gõ vào tựa game hay tên máy chơi game, bạn sẽ thấy ngay sản phẩm cần tìm. Hình thức mua game có thể đặt giao hàng tận nơi hoặc tải về. Amazon không sản xuất máy chơi game. Kindle Fire chưa phải là nền tảng chơi game thực thụ như Xbox của Microsoft. Máy tính bảng của Amazon có cửa hàng ứng dụng riêng nhưng khá hạn chế so với các thiết bị Android khác dùng kho ứng dụng Google Play. Amazon chưa thực sự có một hệ sinh thái chơi game.

    [​IMG]
    Xbox One được Microsoft kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm giải trí tại phòng khách mỗi gia đình.

    Với Apple, trong khoảng 850.000 ứng dụng hiện có trong App Store, có hơn 144.000 tựa game. iOS là nền tảng cho nhiều game “đỉnh” xuất hiện trước tiên. Danh mục game trên App Store phong phú đáng kinh ngạc, có đủ những tựa game phù hợp cho tất cả mọi người. Thiết bị iOS còn được sử dụng như các bộ điều khiển, làm mất cơ hội của nhiều phụ kiện chơi game của bên thứ ba. Apple đang làm ăn phát đạt với mảng game cho di động, dù còn thua xa Microsoft ở mảng game cho PC và chưa có được thiết bị như Xbox.
    Hệ sinh thái giải trí của Google có vô số lựa chọn phần cứng nhờ Android là nền tảng mã nguồn mở và các nhà sản xuất có thể tùy chỉnh theo cách họ muốn cho các thiết bị của mình. Thiết bị Android có rất nhiều thiết kế sáng tạo cho mục đích giải trí. Chẳng hạn Nvidia đang phát triển máy chơi game cầm tay Project Shield, trông như bộ điều khiển Xbox với một màn hình hiển thị độ nét cao HD. Thiết bị chơi được những game console chất lượng cao từ Google Play cũng như các game cho PC. Google Play Store hiện có đủ thể loại game cho người dùng thiết bị Android tải về. Google mới công bố dịch vụ Google Play Game Services để các nhà phát triển xây dựng game cho phép người chơi ghi nhớ và chơi tiếp trên thiết bị khác, đồng thời phát huy ưu thế hệ thống nhiều người chơi để so đọ thành tích với nhau.
    Hệ sinh thái game của Microsoft phong phú và toàn diện nhất, nhờ tính phổ biến của Xbox 360. Đây là máy chơi game console bán chạy nhất, chiếm 44% thị phần tại Mỹ, theo công bố của công ty nghiên cứu NPD hồi đầu năm nay. Dịch vụ Xbox Live cho phép bạn chơi game online, xem truyền hình và phim trực tuyến. Microsoft đang nỗ lực chuyển nền tảng chơi game Xbox 360 thành một hệ sinh thái được tích hợp chặt chẽ. Bạn có thể kết nối một thiết bị Windows 8 với Xbox 360 để xem lại quá trình chơi game, tải game về Xbox 360, cập nhật hồ sơ và đổi hình đại diện trên Xbox Live… Ứng dụng SmartGlass miễn phí cho Windows 8 và Windows Phone biến thiết bị di động của bạn thành màn hình thứ 2 trong khi điều khiển Xbox 360 từ xa để chơi game với màn hình lớn của TV. Máy chơi game thế hệ mới Xbox One được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm của gần như toàn bộ hệ sinh thái giải trí tại gia, có khả năng điều khiển cả TV. Bộ cảm biến nhận dạng hành động Kinect thế hệ mới sẽ tương tác được với smartphone và máy tính bảng Windows 8. Windows Phone vẫn còn rất ít game so với các nền tảng iOS và Android, nhưng cũng đã có những tựa game “đỉnh” như Age of Empires hay Halo.

    Nhạc
    Apple mở ra thị trường kinh doanh nhạc số với iTunes, và hiện có nhiều đối thủ khác áp dụng mô hình bán nhạc với hình thức người mua tải nhạc về thay vì nhận các đĩa nhạc.
    Dù Amazon chưa phải là người bán nhạc khổng lồ như với sách, nhưng đã đạt qui mô khá lớn cả về bán đĩa và nhạc số tải về. Hiện Amazon có 22 triệu bản nhạc, có cửa hàng MP3 (nghe bằng trình duyệt Web) và cửa hàng riêng cho thiết bị Android. Doanh thu nhạc số của Amazon tăng trưởng liên tục và đã đạt được thị phần đáng kể. Theo NPD, trong quý 4/2012, Amazon đã chiếm 22% thị trường tải nhạc, vẫn thua xa iTunes với 63%. Phần sáng tạo nhất của hệ sinh thái nhạc của Amazon là dịch vụ đám mây Cloud Player, cho phép nghe nhạc trực tuyến từ bất kỳ máy tính, thiết bị Android hoặc iOS. Bất kỳ bản nhạc MP3 nào bạn mua từ Amazon đều được đưa lên “mây”. Amazon đang đàm phán với các công ty âm nhạc để mở dịch vụ thu tiền nghe nhạc qua mạng. Nếu đạt được điều này, hệ sinh thái nhạc của Amazon sẽ trở thành thế lực đáng nể.

    [​IMG]
    iTunes Radio cho phép bạn nghe nhạc trực tuyến trên iPhone, iPad, iPod touch, Mac, PC, và Apple TV. Bạn có thể dừng nghe ở thiết bị này và nghe tiếp trên thiết bị khác.

    iTunes của Apple đã đạt thành công quá lớn: sau 10 năm ra mắt, iTunes Store đã bán được hơn 25 tỷ bài hát và đã có mặt trên 119 quốc gia, mỗi nơi có ít nhất 20 triệu bài hát. Theo NPD, các tài khoản iTunes tiêu thụ khoảng 30% số bài hát được bán ra trên toàn thế giới và 63% tổng doanh số bán nhạc số. Các tập tin nhạc iTunes Plus giờ đây không còn bị khóa bảo vệ DRM và được mã hóa thành các tập tin AAC 256Kb/s. Apple TV hay bộ thu AirPlay sẽ giúp phát nhạc không dây từ bất kỳ thiết bị iOS, máy Mac hoặc PC Windows với iTunes bằng cách chạm vào nút AirPlay ảo. Dịch vụ iTunes Match (25 USD/năm) của Apple cho phép lưu nhạc trên đám mây iCloud để nghe từ bất cứ đâu, và không bị quảng cáo quấy rầy khi nghe nhạc với iTunes Radio – một dịch vụ miễn phí trên iOS 7 cho phép tạo ra kênh phát thanh riêng của bạn dựa trên sở thích âm nhạc cá nhân.
    Giao diện Google Play Music hỗ trợ khách hàng mua các album hay bản nhạc riêng lẻ và tải lên những bộ sưu tập nhạc của mình để nghe trực tuyến bằng máy tính hay thiết bị di động. Hồi tháng 5, Google còn cung cấp một dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu, gọi là Google Play Music All Access, cho phép nghe không giới hạn từ thư viện nhạc của Google với 9,99 USD/tháng. Hiện tại, thư viện nội dung của Google Play nói chung là khá tốt. Nhạc, phim được cung cấp trên cửa hàng có phần hạn chế, nhưng những thương vụ ký kết với Warner Music Group, 20th Century Fox và Time đã khỏa lấp thiếu hụt đó.
    Khi nói về Microsoft, có lẽ âm nhạc không phải là thứ bạn quan tâm. Máy nghe nhạc Zune là một thất bại, và cũng chưa có dịch vụ đám mây âm nhạc như Amazon Cloud Player hay Google Play Music. Tuy nhiên, với dịch vụ Xbox Music cho Windows 8, Windows Phone và Xbox 360, Microsoft đã nỗ lực để đưa ra một hệ sinh thái âm nhạc kết nối các nền tảng (người dùng Windows XP/Vista/7 và Windows Phone 7 phải sử dụng phần mềm Zune cũ hơn). Xbox Music là dịch vụ cho phép bạn mua các bài hát hoặc album riêng. Bên cạnh đó, dịch vụ Xbox Music Pass với 10 USD/tháng cho phép khách hàng nghe trực tuyến lên đến 30 triệu bài hát. Danh sách các bài hát và album đồng bộ trên các thiết bị của bạn. Ngoài ra, có thể nghe nhạc trực tuyến không giới hạn trong 6 tháng miễn phí nhưng phải nghe quảng cáo. Sau 6 tháng, giới hạn nghe được áp đặt là 10 giờ/tháng. Ứng dụng và dịch vụ thuê bao Xbox Music đủ để người ta tạm quên kẻ thất bại Zune.


    Video
    Cũng như nhạc số, video đang trong giai đoạn chuyển đổi mang tính lịch sử. Nhiều người vẫn còn mua hoặc thuê các đĩa DVD, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, tương lai của video là dịch vụ xem trực tuyến.
    Mảng video trong hệ sinh thái giải trí của Amazon đang tăng trưởng đều đặn, dù vẫn chưa phải là thế mạnh của nhà bản lẻ. Như với mọi thứ khác tại Amazon, bộ sưu tập video và chương trình truyền hình cực lớn với đủ thể loại phim của nhiều hãng đến từ nhiều quốc gia. Không chỉ cung cấp các đĩa phim, Amazon đang mở rộng dịch vụ Instant Video, cho phép khách hàng trả tiền để chọn xem trực tuyến trong 140.000 video hiện có. Thuê bao Prime (phí 79 USD/năm) được xem thoải mái với dịch vụ Amazon Prime Instant Video. Amazon hỗ trợ khách hàng xem trên nhiều loại thiết bị, dĩ nhiên là cả Kindle Fire. Amazon đang sản xuất các chương trình truyền hình riêng để thu hút người tiêu dùng đến với dịch vụ video trực tuyến của mình. Kinh phí đầu tư cho các chương trình truyền hình khá tốn kém với sự tham gia của nhiều soạn giả, biên kịch, diễn viên truyền hình nổi tiếng.

    [​IMG]
    YouTube, được Google thâu tóm năm 2006, nay đã đồng nghĩa với Video trên Web.

    iTunes Store của Apple hiện diện tại 109 quốc gia, cung cấp hơn 60.000 tựa phim, có mức độ chi phối khác nhau với từng thị trường. Chẳng hạn tại Mỹ, trong năm 2012, iTunes chiếm 65% thị phần phim truyện tải về, và 67% thị phần chương trình truyền hình, theo NPD. Video thường có mặt trên iTunes ngay khi đĩa phim được tung ra thị trường. Khách hàng cũng có thể thuê phim trong vòng 30 ngày, thời gian xem giới hạn trong 24 giờ. Việc mua, thuê, tải về và xem video có thể thực hiện với iPhone, iPod touch và iPad cũng như máy Mac và PC. Thiết bị iOS hỗ trợ truyền phát không dây nhạc và video lên màn hình lớn của HDTV kết nối với bộ Apple TV. Apple TV còn cung cấp nội dung trực tuyến từ các đối tác như Netflix, Hulu Plus và MLB.tv. Rất nhiều ứng dụng trong Apps Store giúp người dùng truy cập chương trình của nhiều đài truyền hình lớn cũng như sử dụng các dịch vụ video đã đăng ký trên mạng…
    Google mua lại YouTube vào năm 2006, biến dịch vụ này thành “trùm” video trên nền Web. YouTube cho phép bất cứ ai tải video lên và chia sẻ với toàn thế giới, từ các hãng tên tuổi, tổ chức uy tín cho đến những clip tự chế từ vô số người dùng. Ngoài ra, trên Google Play cung cấp nhiều dịch vụ cho thuê, bán phim và chương trình truyền hình để xem trực tiếp hoặc tải về. Nền tảng truyền hình Google TV cho phép các nhà sản xuất Android chế tạo các thiết bị kết nối Internet cho phòng khách, đem lại khả năng thông minh cho TV. Dù vậy, đến nay thiết bị Google TV vẫn chưa phổ biến. Tháng 7 vừa qua, Google đã tung ra thiết bị Chromecast dạng thanh nhỏ (stick), giá chỉ 35 USD, khi cắm vào cổng HDMI của TV thông thường sẽ biến thành TV thông minh, cho phép phát nội dung và điều khiển từ xa với smartphone, máy tính bảng và PC. Hiện Chromecast hỗ trợ xem video qua YouTube, Google Play và Netflix cùng nhiều trang web khác bằng trình duyệt Chrome.
    Microsoft có dịch vụ Xbox Video, sử dụng cho cả Xbox 360, Windows 8 và Windows RT (Người dùng các phiên bản Windows cũ hơn hoặc Windows Phone sử dụng phần mềm Zune). Dịch vụ này đơn giản cho việc trả tiền mua hoặc thuê phim và chương trình truyền hình để xem trên các thiết bị; có thể lựa chọn tải về hoặc xem trực tiếp. Microsoft cho biết dịch vụ có 200.000 phim và chương trình truyền hình, nhưng thực tế còn khá hạn chế. Phần nhiều vẫn là phim của Hollywood, và ít có những phim cũ dù nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, chương trình truyền hình khá phong phú. Những ai chỉ quan tâm tới phim mới của Hollywood thì Xbox Video là lựa chọn hấp dẫn. Nhưng nếu thỉnh thoảng muốn xem những phim kinh điển mọi thời đại thì đây là dịch vụ đáng thất vọng. Đó là điều khác biệt mà Amazon đem lại với dịch vụ video cho những thuê bao Prime.

    Mua sắm
    Không còn bó hẹp với những loại hình giải trí truyền thống như nhạc, sách, game và video, các công ty đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái nhằm móc túi người dùng trực tuyến nhiều hơn thông qua quyết định đặt mua bất cứ thứ gì trên Internet. Một số hệ thống mua sắm trực tuyến đang được phát triển, trong khi số khác đã hoàn thiện.
    Có thể nói, bất cứ thứ gì người tiêu dùng muốn mua đều có thể tìm thấy trên Amazon.com. Amazon đã tạo ra đế chế mua sắm trực tuyến rộng lớn không có hệ sinh thái nào đủ tầm để so đọ. Hệ sinh thái của nhà bán lẻ khổng lồ còn cho phép khách hàng chọn mua sản phẩm dịch vụ từ các công ty khác thông qua tài khoản Amazon. Sách và video là những mảng kinh doanh lớn nhất trên Amazon.com. Thuê bao dịch vụ Amazon Prime sẽ nhận được hàng giao miễn phí trong vòng 2 ngày, được quyền xem phim thoải mái, và mượn sách miễn phí từ kho 300.000 e-book để đọc trên thiết bị Kindle. Amazon là trang Web mua sắm hàng đầu trên mạng, và thực sự đã thống trị mảng sách và video trực tuyến.
    Có nhiều cách để mua sắm trong hệ sinh thái của Apple, tiện nhất là sử dụng iPhone hoặc iPad. Có thể sử dụng trình duyệt Safari tích hợp trong iOS để truy cập vào cửa hàng ảo hoặc ứng dụng dành riêng cho từng nhà bán lẻ, như Amazon, Target, Wal-Mart… Có nhiều ứng dụng dành riêng cho đặt mua đồ ăn, thanh toán qua điện thoại từ một chuỗi nhà hàng, theo dõi các chương trình khuyến mãi, tặng điểm thưởng… Một số điểm bán lẻ hỗ trợ mua sắm bằng iPhone rất tiện. Chẳng hạn, tại các cửa hàng bán lẻ của Apple, khách mua có thể chạy ứng dụng Apple Store (không phải là App Store) trên iPhone, quét mã vạch của sản phẩm muốn mua bằng camera của iPhone và sau đó thanh toán bằng tài khoản iTunes. Hóa đơn sẽ được email ngay để khách khỏi phải ghé quầy thanh toán. Việc tích hợp này tiên phong cho phương thức mua sắm "Scan and Go" đang được nhiều nhà bán lẻ quan tâm. Tuy nhiên, trong khi Amazon đã có tài khoản Amazon và Google có “ví thanh toán” Google Wallet, Apple vẫn chưa hỗ trợ người tiêu dùng khai báo danh tính và thông tin thẻ tín dụng để mua hàng. Đó cũng là hạn chế của Microsoft.

    [​IMG]
    Dùng iPhone quét mã vạch sản phẩm chọn mua, sẽ thoát cảnh xếp hàng chờ thanh toán.

    Google Play đã bao gồm nhiều loại nội dung thay vì chỉ là một cửa hàng ứng dụng cho điện thoại và máy tính bảng chạy Android như thời còn mang tên Android Market. Nội dung (sách, tạp chí, nhạc, phim và chương trình truyền hình…) được mua sẽ tự động đồng bộ trên bất kỳ thiết bị bạn dùng để đăng nhập. Tầm nhìn của Google là xây dựng một thương hiệu mạnh, cung cấp dịch vụ hấp dẫn, đem lại trải nghiệm mua sắm và sử dụng liền mạch cho người tiêu dùng, từ đó tăng cao lưu lượng truy cập, đem đến doanh thu cho toàn bộ hệ sinh thái. Dịch vụ Google Wallet cho phép người dùng mua các sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp trực tuyến. Họ cũng có thể mua hàng từ các cửa hàng bán lẻ sử dụng thiết bị di động được trang bị công nghệ NFC. Và dịch vụ tìm kiếm mua sắm Google Shopping kết nối nhanh người tiêu dùng với các nhà bán lẻ. Dịch vụ chuyển phát nhanh hàng hóa trong ngày Shopping Express mới được tung ra thử nghiệm, hứa hẹn cạnh tranh với Amazon.
    Microsoft vẫn chưa hoàn thiện phương thức mua sắm trực tuyến. Tính năng Shopping của Bing và ví điện tử Wallet cho Windows Phone 8 chưa đem lại trải nghiệm mua sắm thống nhất như của Amazon. Khi bạn thực hiện tìm kiếm Bing sẽ nhận được gợi ý thứ bạn có thể muốn mua với đường link Shopping ở trên cùng của trang kết quả tìm kiếm. Đường link này sẽ dẫn bạn đến trang Web riêng của cửa hàng. Việc mua sắm từ các cửa hàng riêng biệt như vậy có nghĩa là thiếu phương thức thanh toán tập trung cũng như theo dõi đơn hàng. Công nghệ Wallet của Microsoft thậm chí còn tệ hơn. Để sử dụng ví Wallet trên thiết bị Windows Phone 8, bạn nạp thông tin về thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, thẻ khách hàng thân thiết, phiếu giảm giá, thẻ thành viên… Nhưng vấn đề là không thể sử dụng ví điện tử này để thanh toán tại các trang Web bán lẻ trực tuyến khác ngoài Windows Phone Store. Bạn có thể dùng điện thoại hỗ trợ NFC để dùng ví thanh toán mua hàng tại các cửa hàng hỗ trợ phương thức thanh toán NFC, nhưng điều không may là phương thức này chưa phổ biến. Dĩ nhiên bạn có thể mua hàng trong các cửa hàng của Microsoft. Tuy nhiên, Microsoft còn lâu mới có được hệ thống cửa hàng trải rộng khắp nơi như Apple Store.

    Những tính năng khác
    Còn nhiều dịch vụ và sản phẩm liên quan đến phương tiện truyền thông ngoài nhạc, video, sách, game và mua sắm.
    Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều người không chỉ quan tâm tới tiêu thụ nội dung mà còn muốn tạo ra nội dung. Amazon cung cấp những dịch vụ hữu ích cho hệ thống tự xuất bản đang ngày càng phát triển, với CreateSpace, Kindle Direct Publishing và Advantage. Những dịch vụ này giúp các cá nhân sản xuất, phân phối và tiếp thị sách. Không những thế, CreateSpace còn cung cấp các công cụ để giúp nhạc sĩ tạo ra đĩa nhạc CD, rồi đem bán trên Amazon.com. Các nhạc sĩ cũng có thể phân phối các bản nhạc của họ dưới dạng MP3 trên dịch vụ nhạc của Amazon.
    Apple có dịch vụ đám mây iCloud để người dùng lưu trữ trực tuyến và đồng bộ dữ liệu tự động cho mọi thiết bị của Apple mà họ sở hữu. iCloud cung cấp nhiều tính năng nổi trội như định vị thiết bị với Find My iPhone và bạn bè với Find My Friends. iCloud cho phép mua nhạc, video, sách và ứng dụng từ iTunes, App Store và iBookstore trên một thiết bị và tải về trên các thiết bị iOS khác. iCloud cũng tự động đồng bộ bookmark, ghi chú và các văn bản khác. Tuy vậy, nhiều nhà phát triển đang gặp khó khăn trong việc thực hiện đồng bộ qua iCloud cho các ứng dụng của họ.

    [​IMG]
    Chromebook đã được bán tại nhiều nơi trên thế giới.


    Bắt nguồn từ trình duyệt Chrome, Google đã phát triển thành công hệ điều hành đám mây Chrome OS, phục vụ cho những ai chủ yếu sử dụng các dịch vụ dựa trên đám mây. Máy tính xách tay Chromebook chạy Chrome OS đã bắt đầu phổ biến, chúng sử dụng các ứng dụng trên nền web, hầu hết có trong Chrome Web Store của Google. Cửa hàng này cũng bao gồm rất nhiều tựa game và dịch vụ giải trí. Chromebook cũng có thể truy cập sách, nhạc và các tạp chí trên Google Play. Tuy nhiên, do cấu hình tối giản nên sẽ gặp hạn chế với nhiều tựa game phổ biến cho PC.
    Mặc dù Skype đang là một tiện ích liên lạc để gọi điện thoại và chat video trên Internet, nhưng có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái giải trí của Microsoft, nhất là ở mảng game. Có lẽ Microsoft sẽ mang Skype lên Xbox 360 để các game thủ chat video trong khi chơi, và để tìm bạn chơi cùng.


    Tích hợp
    Một hệ sinh thái không đơn thuần là “bộ sưu tập” các sản phẩm và dịch vụ riêng biệt mà tất cả phải được tích hợp chặt chẽ với nhau. Dĩ nhiên mức độ thành công của từng hệ sinh thái còn khác nhau.
    Amazon gồm ba hệ sinh thái giải trí kết hợp lại: e-reader Kindle - ứng dụng Kindle Reader trên nền hệ điều hành khác - trang Amazon.com. Chỉ với một tài khoản Amazon duy nhất, người dùng dễ dàng mua và quản lý toàn bộ hệ thống giải trí của họ. Ví dụ, chủ sở hữu e-reader Kindle có thể đọc tiếp từ trang sách đang đọc dở với thiết bị khác như PC, máy Mac, thiết bị iOS và Android. Thực tế, Amazon không bắt buộc người dùng phải gắn chặt với một loại thiết bị nào cho hệ sinh thái giải trí của mình. Bạn có thể nghe nhạc trên Amazon Cloud Player không chỉ bằng Kindle Fire mà còn từ các thiết bị Android khác hoặc thiết bị sử dụng trình duyệt Web bất kỳ.
    Mọi thiết bị của Apple đều phối hợp ăn ý với nhau. Nhờ công nghệ AirPlay, có thể phát video và nhạc từ iPad lên HDTV có kết nối với một Apple TV, và nội dung trên màn hình lớn có thể được điều khiển bởi bất kỳ thiết bị iOS nào trong phạm vi cho phép. Chẳng những thế, iPhone, iPad sẽ thành tay cầm điều khiển khi chơi game và màn hình hiển thị hình ảnh đồng thời với màn hình lớn của TV để nhiều người cùng theo dõi. Video quay từ iPhone có thể biên tập với ứng dụng iMovie trên máy Mac, lồng vào bản nhạc đã mua từ iTunes (hoặc tự tạo trong ứng dụng GarageBand), kết hợp với những hình ảnh nhập vào từ iPhoto và tải lên dịch vụ lưu trữ phổ biến nào đó. Có thể nói, từng sản phẩm của Apple đều tuyệt vời, và tuyệt vời hơn khi kết hợp chúng với nhau. Đó là lý do vì sao nhiều người đã mua một sản phẩm của Apple sẽ lại mua tiếp sản phẩm khác. Apple đã thành công về mặt tạo dựng thương hiệu. Tích hợp và tính tiện dụng trong hệ sinh thái của Apple khích lệ khách hàng trung thành ngày càng tiêu tiền nhiều hơn.

    Tính đa nền tảng của hệ sinh thái giải trí của Google lấy đám mây làm trung tâm đem lại ưu thế vượt trội cho công ty trước các đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể sử dụng một trình duyệt Web bất kỳ để mua sách hay album nhạc từ Google Play, sau đó thưởng thức ngay với máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng bạn đã dùng để đăng nhập vào. Bạn thấy một ứng dụng Android mới trên trang Google Play và cài đặt lên một thiết bị Android, khi bạn dùng một thiết bị Android mới, tất cả nội dung và các thiết lập hiện hữu sẽ được tự động cập nhật. Với hệ sinh thái của Google, bạn không còn khổ sở vì phải nhồi nhét đủ thứ lên thiết bị của mình. Dữ liệu trên mây và bạn có thể kết nối với nội dung của mình bất kể ở đâu, không phân biệt PC, smartphone hay máy tính bảng.
    Microsoft lâu nay vẫn thường bị chỉ trích vì các dịch vụ và sản phẩm chưa liên kết chặt chẽ với nhau trong hệ sinh thái giải trí của công ty. Xbox 360 nằm ở trung tâm của hệ sinh thái, và đã có thể kết hợp với các nền tảng Windows 8 và Windows Phone. Nhưng mới chỉ ở mức căn bản. Chẳng hạn, bạn không thể chơi game trên Xbox 360 từ thiết bị Windows 8 hoặc Windows Phone. Điều đó có lẽ sẽ thay đổi trong những năm tới. CEO Steve Ballmer đã tuyên bố Microsoft sẽ trở thành một công ty dịch vụ và thiết bị, và chắc chắn một hệ sinh thái giải trí gắn kết là một thành phần quan trọng trong đó, dựa trên các nền tảng Windows và Xbox 360. Dù vậy tương lai không có gì là chắc chắn.


    Mỗi hệ đều có thế mạnh của mình
    Mỗi hệ sinh thái đều có những điểm mạnh, yếu nhất định. Và rõ ràng khó có thể nói hệ sinh thái nào chiến thắng về tổng thể. Khi nói đến sách, tạp chí và mua sắm, Amazon là vô địch. Mặc dù iBooks của Apple được xem là thành công, nhưng chưa thể sánh với sự thống trị của Amazon trong ngành công nghiệp sách, bao gồm cả e-book và sách in. Và trong khi Google đã cố gắng để trở thành một trung tâm mua sắm trực tuyến, vẫn còn cách xa sự thành công của Amazon.

    [​IMG]
    Từng sản phẩm của Apple đều tuyệt vời, và tuyệt vời hơn khi kết hợp với nhau.

    iTunes của Apple đang thống lĩnh trên thị trường nhạc tải về. Tuy nhiên, Apple phần nào bị lu mờ trước các hệ sinh thái khác vì trước đây chưa có dịch vụ nghe nhạc trực tuyến (iTunes Radio bổ sung khiếm khuyết này với phiên bản iOS 7). Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Xbox của Microsoft hoạt động tốt và Google đang triển khai dịch vụ Google Play All Access Music. Amazon vẫn chưa có một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, mặc dù đã hỗ trợ phát các bản nhạc trên mây của bạn.
    Về video, dịch vụ của Amazon là tốt nhất trong các hệ sinh thái, cả về bán đĩa DVD và cung cấp video cho các thuê bao Amazon Prime xem trực tuyến. Thêm nữa, Amazon đã sản xuất những chương trình riêng của mình.
    Microsoft dù là vua game console và game cho PC nhưng thua xa Google và Apple trong mảng game di động. Miếng bánh thị phần game di động dù còn nhỏ trong toàn bộ thị trường game, nhưng đang lớn nhanh.
    Tóm lại, bất chấp những nỗ lực của các công ty, vẫn chưa có mô hình hệ sinh thái phương tiện truyền thông nào hoàn chỉnh, và chưa có đấu thủ nào vượt hẳn lên trên trong cuộc đua đang diễn ra quyết liệt.

    PC WORLD VN, 10/2013

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Đại chiến hệ sinh thái phương tiện truyền thông

Share This Page