Mẹ bán vé số nuôi con tự kỷ

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 22, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 332)

    Bé trai 8 tuổi dùng dằng, ú ớ nơi cổng trường, người mẹ gầy gò dỗ con vào lớp rồi gửi chiếc xe đạp cũ, cầm tập vé số len lỏi khắp ngõ ngách Sài Gòn.


    6h sáng, ăn vội bữa cháo, chị Nguyễn Thị Kim Lựu đạp chiếc xe đạp cũ chở con trai Huỳnh Phi Hồng vượt hơn 10 km từ Thủ Đức, TP HCM, đến trường dành cho trẻ tự kỷ gần ngã tư Hàng Xanh.

    Gần một năm nay, chiếc xe đạp là bạn đồng hành của hai mẹ con chị Lựu, bất kể mưa nắng. Sau khi đưa con trai 8 tuổi vào lớp, chị lội bộ khắp các ngõ ngách để rao bán vé số, đợi đến chiều tối quay lại trường đón con về. Chiếc xe đạp ấy ban đêm là phương tiện để con trai đầu lòng của chị Lựu đi làm bảo vệ. Cậu trai vừa đậu vào ĐH Công nghệ TP HCM nhưng không có tiền nhập học nên từ quê vào ở trọ cùng mẹ để trước mắt đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho em, tính chuyện năm sau sẽ ôn thi lại vào trường Sĩ quan Lục quân.

    “Có lúc đang chạy xe trên đường, bé Hồng đau mình quá nên nhảy xuống chạy bộ, tôi phải xuống xe đuổi theo. Sợ nhất là những lúc dừng đèn đỏ, có khi bé nhảy tót lên xe máy gần đó rồi ngồi ôm người ta chặt cứng không chịu xuống”, người mẹ ngậm ngùi kể về quãng đường đạp xe chông chênh của hai mẹ con.

    [​IMG]

    Trước cổng trường chuyên biệt, hình ảnh cậu bé có khuôn mặt kháu khỉnh được người mẹ chở bằng xe đạp trở nên quen thuộc. Ảnh: Lê Phương.


    Bé Hồng là con trai thứ hai của chị Lựu. Tháng 11/2006, bé chào đời trong niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng nghèo tại làng quê Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Lên 2, rồi 3 tuổi, bé vẫn không biết nói, cứ la hét suốt đêm. Lúc con còn nhỏ, thấy bé có biểu hiện tăng động nặng như chạy vòng tròn không biết mệt, chị cứ tưởng con đùa.

    Càng ngày chị càng hoảng hốt khi thấy con xuất hiện nhiều triệu chứng lạ, mọi sinh hoạt cá nhân không thể thực hiện được. Đến khi bé 4 tuổi, không đành lòng nhìn con với chứng bệnh kỳ quặc, vợ chồng chị gom góp tiền đưa vào TP HCM khám bệnh.

    “Lúc đó bác sĩ chẩn đoán con rối loạn tự kỷ, bảo phải điều trị lâu dài và can thiệp kịp thời. Nghe tên bệnh lạ quá, vợ chồng tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị nên đành đưa con về quê”, chị Lựu cho hay.

    Vì phải chăm con, chị Lựu không thể đảm đương việc đồng áng, vườn tược như trước. Gánh nặng thuốc men, chi phí sinh hoạt đổ dồn lên đôi vai người chồng vốn sẵn bệnh tim. Năm ngoái, thấy con không thể để ở nhà được nữa, chị dắt díu con rời mảnh đất nghèo miền Trung vào TP HCM.

    Chồng chị cũng ngược lên Tây Nguyên đi làm rẫy thuê kiếm tiền gửi xuống hỗ trợ, nhưng cũng chẳng đáng là bao. Chị tìm trường chuyên biệt để gửi con. Số tiền mấy chục triệu vay của hội người nghèo, hội phụ nữ chỉ qua vài lần bé Hồng nhập viện là hết.

    Thời gian đầu đến Sài Gòn, khi con vào lớp thì chị phụ bán quán cơm ở quận 1. Tuy nhiên, bé Hồng thường xuyên đau ốm, sinh hoạt thất thường nên chị không thể tiếp tục công việc. Chị chuyển qua bán vé số để linh động thời gian và có thể đưa đón con đi học, nếu bé đi viện thì có thể nghỉ.

    Không đủ tiền thuê trọ gần nơi con học, hai mẹ con tìm về Thủ Đức để thuê nhà cho rẻ. Ngày nắng cũng như mưa, chị mất hơn một tiếng rưỡi đạp xe từ Thủ Đức chở con đến trường. Cùng mẹ dãi nắng dầm mưa nên cậu con càng dễ bệnh, phải tốn tiền thuốc men nhiều hơn.

    “Nhiều lúc đi ngang cầu Bình Triệu, gió lớn ngược chiều, xe đạp thì hư, con cứ nhảy tót khỏi xe để chạy nhảy lung tung, tôi chỉ muốn ôm con nhảy xuống cầu tự tử cho rồi chứ sống làm gì khổ quá”, chị Lựu không thể ngăn dòng nước mắt chảy dài.

    [​IMG]

    Những ngày con không lên lớp, chị Lựu lại đưa bé rong ruổi đi bán vé số cùng mình. Ảnh: Lê Phương.


    Đêm về, người chị Lựu uể oải tưởng chừng không nhúc nhích nổi, con thì quậy phá suốt đêm. Bao nhiêu năm nay, chưa giấc ngủ nào của chị trọn vẹn bởi những bộn bề lo nghĩ và đau đớn do chứng bệnh đau bao tử, giãn tĩnh mạch chân hành hạ. Nhiều đêm ngẫm lại đời mình mà nước mắt chị ướt gối. Cha chết khi chị chưa kịp chào đời, nhà 5 anh em lớn lên trong đói khổ, đến lúc lấy chồng tưởng yên ổn, không ngờ con lại bệnh tật. Tết rồi, vợ chồng con cái mỗi người ăn Tết mỗi nơi vì không có tiền về quê.

    Nhiều lúc sáng ra chị tưởng không cất mình dậy nổi nhưng số nợ đã lên gần trăm triệu đồng, giờ nghỉ ngày nào là đói ngày đó nên chị lại gắng gượng. Mỗi ngày nếu may mắn bán hết vé số, chị mới kiếm được 100.000 đồng. Tiền học phí, tiền thuốc men không thể kham nổi, chị thở dài vì con đường phía trước quá mù mịt.

    "Lúc vào trường, trí não của bé Hồng chỉ bằng đứa trẻ chưa được 1 tuổi. Vào trường khi đã qua thời điểm vàng để can thiệp (3-5 tuổi), nhưng giờ cháu đã biết tự đi vệ sinh, bớt la hét. Nhìn con đang tiến bộ từng ngày, nếu phải đưa con trở về quê thì thật không đành lòng", chị Lựu thở dài.

    Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người sáng lập ngôi trường chuyên biệt Khai Trí mà bé Hồng đang theo học cho biết, nhiều người nghĩ tự kỷ là bệnh nhà giàu nhưng thật sự ở trường có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. "Với gia đình có điều kiện, việc nuôi dạy con tự kỷ đã là cả hành trình chông gai. Còn với gia đình khó khăn, sự vất vả càng bội phần. Các cô giáo ở trường thường xin quần áo, chăn mền hỗ trợ cho bé Hồng nhưng cũng chẳng thấm vào đâu", bác sĩ Mẫm chia sẻ.

    Chiều Sài Gòn đổ cơn mưa lớn, bóng dáng hai mẹ con ướt nhẹp, xiêu vẹo hòa vào dòng người. Thỉnh thoảng đứa con lại quậy phá, chiếc xe đạp lắc lư, va chạm trong tiếng la mắng của những người đi đường và tiếng xin lỗi rối rít của người mẹ tội nghiệp.

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Mẹ bán vé số nuôi con tự kỷ

Share This Page