Xe hơi - sân chơi lớn tiếp theo của CNTT-TT

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Oct 15, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 288)

    Bỏ qua cả những tính năng tương tác cho phép kết nối xe hơi và điện thoại, những chiếc xe hơi đang ngày càng bị các nhà sản xuất “điện tử” hoá với những hệ thống phần cứng chẳng khác gì một chiếc điện thoại thông minh… thậm chí là cả hệ điều hành Android.


    [​IMG]

    Trước đây, có lẽ điểm “kết nối” duy nhất giữa xe hơi và chiếc điện thoại trong túi bạn là một sợi dây nghe nhạc. Thời gian thay đổi, xe hơi ngày càng có sự liên kết gần gũi với điện thoại thông minh. Bỏ qua cả những tính năng tương tác cho phép kết nối xe hơi và điện thoại, những chiếc xe hơi đang ngày càng bị các nhà sản xuất “điện tử” hoá với những hệ thống phần cứng chẳng khác gì một chiếc điện thoại thông minh… thậm chí là cả hệ điều hành Android. Như thế, có lẽ gọi xe hơi là một “thiết bị di động” với khả năng… di chuyển thực sự cũng chẳng phải là sai.


    [​IMG]
    Dù là một hãng xe hơi, Tesla mang đậm nét đặc trưng của một công ty xuất hiện từ thung lũng công nghệ Silicon lừng danh
    [​IMG]
    Sau điện thoại thông minh, xe hơi thông minh sẽ là cuộc chơi mới của các thương hiệu hàng đầu.
    [​IMG]
    Sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và xe hơi sẽ tạo ra nhiều thú vị cho người dùng

    Máy tính tích hợp ngày càng sâu
    Xu hướng hiện nay là hệ thống điều khiển trung tâm trên xe hơi vốn trước đây chủ yếu dành cho giải trí sẽ tích hợp thêm nhiều tiện nghi để phục vụ cho người dùng di chuyển trên đường. Điều này khiến cho các hệ thống điều khiển “mini” phát triển dày đặc. Lấy ví dụ chiếc Ford Focus – vốn thông dụng ở Việt Nam. Phiên bản 2013 của mẫu xe này có tới 74 cảm biến (tính cả radar, máy quay, cảm biến gia tốc, cảm biến nhiệt độ, cảm biến mưa…), 4.716 loại tín hiệu, 145 thiết bị tác động… cho phép tạo ra hơn 25GB dữ liệu mỗi tiếng. Dữ liệu này được xử lý và tính toán bởi 25 máy tính tích hợp trên xe. Các thiết bị sẽ tổng hợp thông tin từ các loại tín hiệu khác nhau để đưa ra những cảnh báo người dùng khỏi những nguy hiểm tiềm tàng (điển hình là cảnh báo tiền va chạm), hỗ trợ đỗ xe hoặc duy trì làn chạy, bám đuôi xe phía trước…
    Dù đã khá đa dạng, đây mới chỉ là buổi sơ khai của những chiếc xe hơi công nghệ cao với máy tính tích hợp. Theo công ty Ford, bước phát triển tiếp theo của ngành công nghiệp xe hơi sẽ hướng tới thứ gọi là “hỗn hợp cảm biến”. Khi kết hợp với thông tin từ các kho dữ liệu (điển hình là các máy chủ điện toán đám mây của nhà sản xuất xe hay trung tâm dịch vụ giao thông), xe có thể phân tích và “nghĩ” ra phương án đối phó với các tình huống phát sinh. Như thế, hành trình của người sử dụng sẽ dễ chịu, tiện nghi và an toàn hơn. Thực tế, xe hơi kết nối và các công nghệ liên quan sẽ giúp các nhà sản xuất vượt ra khỏi giới hạn chỉ thiết kế những tính năng tương tác trực tiếp của mỗi mẫu xe. Nói cách khác, những chiếc xe sẽ có tính năng cực kì linh hoạt và có thể phản ứng “thông minh” chứ không cứng nhắc như hiện tại; hoặc có thể hiểu chính người dùng sẽ được đặt vào vị trí trung tâm trong các tính toán thiết kế cũng như vận hành khi phát tiển một mẫu xe hơi mới. Trong khi đó, chiếc xe sẽ chỉ còn là một mắt xích trong chuỗi thiết bị số xung quanh người dùng – bao gồm cả máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị gia dụng… Mô hình này không mới bởi các hãng công nghệ lớn đã phát triển từ lâu – tương tự như cách mà Apple tạo ra với chuỗi sản phẩm “i” của mình.
    Mô hình mới này đã được triển khai bước đầu trên những dòng xe hiện đại. Một số xe đã có thể tận dụng thông tin từ máy tính tích hợp để gửi email báo cho chủ nhân bận rộn của nó về việc cần thay dầu hay thực hiện các phép bảo trì khác. Thậm chí, nó cũng tạo điều kiện chọn lựa khung thời gian, tự động đặt lịch hẹn với gara hay thậm chí là đặt hàng phụ tùng cho bạn nếu cần. Ở tình huống khác, một chiếc xe hơi sau thời gian được sử dụng bởi một người dùng cụ thể, nó sẽ có thể ghi nhận lại hành trình quen thuộc cũng như những tác động nhất định trên đường (lịch trình, trạng thái đường, đèn hiệu, tình trạng giao thông, thói quen lái xe..), có thể phản ứng thông minh như bật điêu hoà 10 phút trước khi bạn kết thúc giờ làm, duy trì tốc độ ổn định để “né” các đèn tín hiệu, thậm chí nó có thể tự động chỉ cho bạn chỗ mua xăng “rẻ” và vắng nhất. Theo nhiều nhà phân tích, những công nghệ này đều đã có mặt vào thời điểm hiện tại và cả ngành công nghiệp xe hơi đang đứng trước một thời khắc quan trọng, một cuộc cách mạng công nghệ lớn.


    Thực tế, xe hơi kết nối hiện còn được nhiều nhà phân tích đánh giá sẽ là cứu cánh cho các nhà mạng viễn thông trong giai đokhổng ạn bão hoà hiện nay và tạo ra một lượng lồ thuê bao dịch vụ kết nối dữ liệu mới trong giai đoạn tới. Mới đây, GM cũng tuyên bố toàn bộ xe thế hệ 2014 của hãng sẽ có kết nối 4G tích hợp sẵn.
    [​IMG]
    Ngày càng có nhiều đại gia công nghệ nhảy vào cuộc chơi xe hơi

    “Hệ điều hành của xe hơi” – khái niệm không còn lạ
    Thực tế, ngay từ CES 2013 hồi đầu năm, hơn 100 công ty công nghệ tham gia triển lãm này đã trình diễn vô số các dịch vụ với chung chủ đề “xe hơi thông minh”. Bên cạnh đó, có nhiều nhà sản xuất xe hơi như Ford, GM, Huyndai… cũng hiện diện tại triển lãm vốn là sân chơi của công nghệ và phụ kiện lớn nhất thế giới này. Ỡ giai đoạn hiện tại, họ đều có xu hướng theo đuổi các công nghệ tự lái, hỗ trợ đỗ và hệ thống thông tin giải trí thế hệ mới – như đã đề cập ở trên. Như vậy, cho dù những ứng dụng như Waze có thể sẽ cung cấp dịch vụ dẫn đường GPS cơ bản cho điện thoại thông minh của mỗi chủ xe, tuy nhiên các nhà sản xuất xe hơi lại muốn tích hợp phần mềm, ứng dụng, dịch vụ của chính họ để tạo ra lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ. Để làm được điều này, sự hiện diện của một hệ điều hành với khả năng kết nối giao thức web là điều bắt buộc. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, mỗi nhà sản xuất xe lại có những lựa chọn khác nhau. Hầu hết các hãng xe – kể cả BMW hay Audi hiện đều đã có nền tảng phần mềm độc quyền của chính mình. Điển hình là Audi với MMI tích hợp sẵn Google Earth và Google Maps đang được tích hợp sẵn trên các dòng xe A3 mới. Trong khi đó, Ford lại sử dụng ”Windows Embedded Autimotive” của Microsoft. Thậm chí, một số hãng khác lại đang xem xét những nền tảng mở quen thuộc trên môi trường di động như Tizen (thành quả giữa Samsung và Intel), Linux, GENIVI… và dĩ nhiên là cả Android.

    [​IMG]
    Một trong các giao diện Android dành cho hệ thống giải trí của xe hơi
    [​IMG]
    Ngày càng có nhiều đại gia công nghệ nhảy vào cuộc chơi xe hơi


    Dù người dùng có lẽ chẳng nhận ra, nhưng thực tế nhiều công ty đã bắt đầu sử dụng nhân Android để làm nền tảng cho hệ thống giải trí cũng như các hệ thống khác trong xe của họ. Điển hình là Clio của Renault hiện tích hợp R-Link dựa trên nền Android. Trong khi đó Saab cũng sử dụng Android cho hệ thống giải trí trên xe của mình. Đơn vị con Wind River của Intel cũng đã hợp tác với nhà sản xuất âm thanh Clarion suốt từ 2011 để phát triển các hệ thống giải trí trong xe dựa trên nền Android. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Clarion là Ca-Fi – một công ty Hong Kong – cũng đi theo lối này. Thậm chí, Roewe 350 – một mẫu xe Trung Quốc còn được ghi nhận là chiếc xe hơi đầu tiên sử dụng Android (phiên bản 2.1) khi lần đầu được SAIC Motor ra mắt tại triển lãm xe Bắc Kinh 2010.
    Việc chọn lựa hệ điều hành cho các loại xe hơi đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các nhà sản xuất do người dùng ngày càng hiểu biết và có yêu cầu cao hơn – gần tương tự như xu hướng đang diễn ra với điện thoại. Để đáp ứng điều đó, các hệ thống giải trí ngày càng phải có tính cạnh tranh và “thông minh” hơn. Theo phân tích của Strategy Analytics, “hệ thống giải trí được lựa chọn phải có một hệ điều hành ổn định, an toàn và linh hoạt”. Tuy nhiên, cũng phải đề cập tới một thực tế là Android trên xe hơi sẽ không có giao diện theo kiểu của điện thoại thông minh. Chưa kể tới sự khác biệt về nhu cầu sử dụng hay kích thước màn hình, với tư cách là hệ điều hành mã nguồn mở, các nhà sản xuất xe thường hướng tới việc tuỳ biến lại để tạo dấu ấn cũng như phục vụ các tính năng riêng – theo đúng cách mà Amazon đã làm với dòng sản phẩm máy bảng Kindle của mình. Bằng cách này, họ cũng hạn chế được việc để lộ những điểm yếu hay bị người dùng “bắt mạch” về nền tảng – điều có thể dẫn tới nhiều mối nguy cơ về bảo mật hoặc tính cạnh tranh.

    [​IMG]
    Công nghệ xe tự lái của Google rất được Tesla và các hãng xe hơi hàng đầu quan tâm
    [​IMG]
    Các dịch vụ của Google sẽ sớm tăng cường tiện ích cho xe Ford


    Về phía các nhà sản xuất, những thay đổi có dính dáng tới hệ điều hành như Android sẽ không được họ công bố rộng rãi tới người dùng. Lý do nằm ở chỗ nếu làm như vậy, họ sẽ tự đặt mình vào cuộc cạnh tranh của các hệ điều hành di động. Nói cách khác, một số người dùng sẽ có thể “chán” Android và yêu cầu xe với… iOS hay Windows chẳng hạn. Điều này rõ ràng là một nguy cơ không thể không tính tới. Dù vậy, một số nhà phân tích cũng cho rằng hệ điều hành trong xe hơi sẽ không quá quan trọng như trước đây ở các mảng sản phẩm khác đối với người tiêu dùng. Tương tự như trào lưu mới đang hiện hình trên máy tính cá nhân hay điện thoại thông minh, người dùng sẽ quan tâm nhiều hơn tới tính năng, chức năng và các dịch vụ họ có trên mỗi sản phẩm mới mà họ bỏ tiền ra mua. Với xe hơi, đó là những trải nghiệm lái và độ an toàn. Như thế, dù các nhà sản xuất rất coi trọng việc cung cấp những tính năng mới, quan trọng hơn cả vẫn là việc phát triển chức năng vận hành để xử lý một cách hiệu quả những vấn đề phát sinh trên đường di chuyển của người. Trong đó, hệ điều hành hay các dịch vụ dựa trên đó chỉ là một phần mà thôi.

    Các hãng công nghệ: xe hơi là sân chơi mới màu mỡ!
    Một điều thú vị là không chỉ những nhà sản xuất xe hơi mới quan tâm tới cuộc chơi công nghệ. Thực tế, các công ty công nghệ hàng đầu như Intel, Microsoft, Google… đều đang hướng tới việc tham gia sân chơi xe hơi bằng các sản phẩm mũi nhọn của mình. Thậm chí, Google không bằng lòng với việc chỉ phát triển giải pháp xe tự hành, và đang xem xét việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe điện. Google hiện đang đầu tư mạnh tay vào việc nghiên cứu, phát triển ở toàn bộ các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp xe hơi – dĩ nhiên là bao gồm cả việc sản xuất các loại xe điện. Tesla cũng đã tham gia với Google về việc đưa công nghệ xe tự lái vào sản phẩm của mình.
    Trong khi đó, Microsoft cũng vừa cho biết Chrysler Group hiện đã bắt đầu trang bị hệ thống giải trí mới do đại gia phần mềm phát triển lên các mẫu xe của mình. Những hệ thống này vốn được Fiat sử dụng trước đó. Cũng theo nhà sản xuất phần mềm này, nhiều mẫu xe mới của Chrysler với hệ thống tương tự cũng đang chuẩn bị ra mắt. Intel trong giai đoạn vừa qua cũng mạnh tay đầu tư cho các công nghệ phục vụ xe hơi. Điển hình là việc hãng này vừa công bố hệ thống đèn pha thông minh có thể theo dõi trạng thái rơi của từng hạt mưa bằng camera để “né” và cho phép “vô hình hoá” các cơn mưa. Theo Intel, công nghệ này tuy không mới nhưng chỉ tới gần đây, năng lực xử lý của các bộ vi xử lý thế hệ mới của hãng mới đủ mạnh cho việc tính toán và thực hiện các tác vụ của công nghệ thú vị này. Như thế, một điều quá rõ ràng là bản thân các nhà sản xuất công nghệ cũng rất quan tâm tới ngành công nghiệp xe hơi trong giai đoạn này. Đây là điều không lạ bởi theo nhiều nhà phân tích, thị trường ứng dụng phần mềm cho xe hơi cũng như công nghệ liên quan sẽ có trị giá hàng tỉ USD trong những năm tới. Chính vì thế, không một công ty tầm cỡ nào – bất kể thuộc mảng công nghệ thông tin hay xe hơi – muốn bỏ lỡ miếng bánh thơm ngon này.


    PC WORLD VN, 08/2013

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Xe hơi - sân chơi lớn tiếp theo của CNTT-TT

Share This Page