Ước mơ của 'họa sĩ nhí' 9 tuổi mang nhiều mặc cảm

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 15, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 339)

    "Em chỉ ước mong sao không còn nhìn thấy những cơn đau của mẹ, chị gái khỏi bệnh tâm thần và có đủ giấy bút cho em được vẽ hàng ngày", cậu học trò Lê Văn Dũng (Thanh Hóa) viết trong một bài văn.


    Dũng ngồi nắn nót cây bút màu trên tay, những cánh hoa màu đỏ rực trang trí trên chiếc bình, chiếc cốc dần hiện ra. Chiếc bàn học để giấy vẽ và những cây bút đủ màu là phần thưởng cho thành tích học tập của cậu học trò lớp 3A, Trường Tiểu học Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Góc học tập cũng chính là chiếc phản tre mà ba mẹ con vẫn nằm ngủ hằng đêm.

    Vì Dũng có ngoại hình nhỏ bé, các bạn trong lớp gọi cậu là Dũng "Còi". Chị Lê Thị Thương, mẹ em, phân trần: "Hệ tiêu hóa không tốt nên mỗi bữa cháu chỉ ăn được nửa bát cơm. Từ năm ngoái đến giờ vẫn nặng 15 kg, không tăng được cân nào".

    [​IMG]

    Bàn học của Dũng đặt trên chiếc phản tre mà ba mẹ con vẫn nằm ngủ. Ảnh: Hoàng Phương.


    Ngoài Dũng, chị Thương còn có một cô con gái tên là Nguyễn Thị An, vừa tròn 18 tuổi. An là kết quả cuộc hôn nhân đầu của chị Thương nhưng vợ chồng không hòa hợp khiến chị ôm con gái mới 6 tháng tuổi về quê ngoại ở thôn Đồng Cốc, xã Xuân Phú, Thọ Xuân. Hai mẹ con dựng tạm túp lều tranh sống qua ngày.

    Khi An 3 tuổi, một hôm đang nằm nghỉ trưa thì em lên cơn sốt, co giật đến tím tái cả người. Từ đó, cô bé không biết gì nữa, cho ăn biết ăn, cho uống biết uống.

    An đến tuổi đi học, ngày ngày chị Thương cõng con đến lớp, mong cho con bằng bạn bè với suy nghĩ biết đâu được đi học, con gái sẽ khỏi được bệnh. Trái với hy vọng của mẹ, cô bé không học được chữ nào vào đầu, thậm chí còn xé sách vở. Chị Thương đành cho con nghỉ học ở nhà, tuyệt vọng khi nhìn thấy con thơ thẩn ngồi cạy đất ở sân nhà rồi bật cười vô cớ.

    Chị Thương đánh liều kiếm một đứa con nữa. Chính vì việc này, người mẹ đơn thân bị anh em họ hàng xa lánh, nhưng làng xóm lại thông cảm và sẻ chia với chị. Chị ứa nước mắt nhớ lại ngày sinh bé Dũng, người mang cho tã lót trẻ sơ sinh, người cho bát cháo ăn lấy lại sức. "Trời bắt tội rồi trời lại thương, lấy đi đứa con gái xinh xắn, thông minh nhưng rồi lại bù cho tôi đứa con trai ngoan ngoãn", chị Thương ngậm ngùi. Chị bảo Dũng là động lực giúp chị chống chọi với căn bệnh sỏi thận đã 6 năm nay.

    Chị Thương làm gần hai sào ruộng, cùng số tiền trợ cấp đơn thân nuôi con 180 nghìn một tháng giúp ba mẹ con rau cháo qua ngày nuôi nhau, sống tạm bợ trong túp lều rách nát. Tới năm 2008, Nhà nước hỗ trợ xây cho gia đình chị căn nhà ngói hai gian. Người dân xung quanh lại góp ngày công giúp chị dựng nhà. Từ đó trở đi, ba con người mới dám yên tâm mỗi khi trời mưa gió.

    Dũng lớn lên trong tình thương của mẹ và sự đùm bọc của xóm làng. Con nhà nghèo, lại chịu thua thiệt nên sớm biết lo liệu. Không ai kèm cặp việc học hành nhưng Dũng rất tự giác. Ở lớp, cậu học giỏi đều các môn, luôn giành danh hiệu ọc sinh giỏi từ lớp 1 đến nay.

    Cô Nguyễn Thị Hưng, giáo viên trường Tiểu học Xuân Phú, nhận xét về cậu học trò cũ: "Trong lớp, Dũng ngoan và học giỏi nhất lớp, nhưng trầm tính, ít nói, ít cười nên cô muốn giao làm lớp trưởng cũng không được, đành giao chức tổ trưởng cho em".

    Những bài văn của Dũng giàu cảm xúc nên thường được điểm cao và làm mẫu cho cả lớp. Cô Hưng vẫn còn ấn tượng bài văn viết về mẹ và chị gái của Dũng với ước mơ giản dị: "Em ước mong sao không còn nhìn thấy những cơn đau của mẹ, chị gái khỏi bệnh tâm thần và có đủ giấy bút cho em được vẽ hàng ngày". Bài văn đó cô Hưng chấm cho học trò 9 điểm và đọc cho cả lớp nghe.

    [​IMG]

    Hai con là động lực để người mẹ vượt qua căn bệnh sỏi thận hành hạ đã nhiều năm nay. Ảnh: Hoàng Phương.


    Không chỉ học giỏi, Dũng còn vẽ khá đẹp. Những bức tranh về trường lớp, bạn bè, mẹ và chị gái đều được thể hiện thông qua những chiếc bút màu đơn sơ của cậu bé. Nhiều khi thiếu giấy vẽ, Dũng tìm những cuốn vở ghi còn thừa một vài trang rồi biến nó thành những bức tranh sinh động.

    Để chuẩn bị cho cuộc thi mỹ thuật dành cho học sinh tiểu học của huyện Thọ Xuân, Dũng ngồi tô vẽ cả ngày, hết tờ này đến tờ khác. Em đặt ra mục tiêu phải giành giải nhất nhưng vẫn đảm bảo được việc học tốt các môn, nhất là Toán và Tiếng Việt. Lần đó, Dũng đứng đầu cuộc thi vẽ với bức tranh tả cảnh sân trường giờ ra chơi.

    Từng làm văn và vẽ tranh về mẹ và chị gái, nhưng cậu bé chưa bao giờ nhắc đến người cha. Dũng sợ mẹ buồn nên cũng không hỏi chuyện. Bị bạn bè trêu chọc, Dũng lại lôi giấy ra vẽ tranh. "Nó mặc cảm với người ta khi không có bố. Chính tôi cũng tự ti nên luôn phải sống khép mình. Chỉ mong sau này con học hành tử tế, lớn lên không phải cúi mặt trước bạn bè", người mẹ nghèo tỏ nỗi lòng.

    Mấy hôm nay mẹ ốm, Dũng đảm nhận việc nấu cơm. Mẹ và chị hay mệt nên cậu bé tập nấu cơm từ đầu năm học lớp 2. Từ rửa bát, quét nhà đến việc chăm đàn gà con, Dũng đều tự làm hết. "Em đang tập đi xe đạp để mẹ đỡ vất vả chở đến lớp, nhưng em mới bị ngã còn đau chân nên phải tạm nghỉ vài hôm rồi mới tập tiếp. Chị An thi thoảng cũng tỉnh táo một chút nên trông nhà lúc em đi học, mẹ đi vắng", Dũng kể rồi kéo ống quần, để lộ một bên đầu gối thâm tím vì ngã xe.

    Nắng chiều chiếu xuống căn nhà cũ kỹ khiến xung quanh càng thêm ảm đạm. Nhìn cậu con trai nhỏ chuẩn bị nấu cơm, chị Thương thở dài cho hoàn cảnh: "Giá như sức khỏe tốt hơn một chút, tôi sẽ làm thêm ruộng, vay vốn mua thêm con trâu hoặc bò để chắt chiu nuôi các con. Các con là niềm hy vọng duy nhất của tôi".

    Hoàng Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Ước mơ của 'họa sĩ nhí' 9 tuổi mang nhiều mặc cảm

Share This Page