Microsoft “rước” Nokia: Chớ vội mừng, đừng vội buồn

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Oct 11, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 336)

    Thương vụ Microsoft thâu tóm Nokia là cả câu chuyện dài, nhưng cuộc hôn nhân gượng ép này liệu có giúp những kẻ lỡ thì đổi vận?

    [​IMG]
    Nokia 3650 là một sáng tạo nổi bật trước đám đông trước thời smartphone.
    [​IMG]
    Nokia 7600 có thiết kế độc đáo, là chiếc điện thoại 3G thứ 2 của Nokia, có khả năng chơi nhạc các định dạng MP3 và AAC, và được trang bị một camera VGA.

    Microsoft đã quyết bỏ ra hơn 7 tỷ USD mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia, cùng với quyền sử dụng bằng sáng chế của Nokia trong vòng 10 năm. Xét trong bối cảnh hiện tại dường như đây là cuộc hôn nhân ở thế chẳng đặng đừng khi cả hai người khổng lồ, một “mềm” một “cứng”, đang tụt hậu trên thị trường di động phát triển quá nhanh. Microsoft hẳn đang muốn có được toàn quyền sản xuất smartphone để dốc toàn lực cho cuộc chiến, còn Nokia thì thua lỗ triền miên với canh bạc Windows Phone, và cựu vương hầu như không còn sức chiến đấu trước sức ép quá lớn của Apple và các nhà sản xuất Android khác. Câu hỏi lớn hiện nay là cuộc hôn nhân gượng ép này liệu có giúp hai kẻ lỡ thì đổi vận?

    Microsoft vào thế phải “rước” Nokia?
    Thỏa thuận cho phép Microsoft mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia bất ngờ được công bố đầu tháng 9, nối tiếp những bất ngờ trước đó. Chỉ mới hồi giữa tháng 7 vừa qua, CEO Steve Ballmer đã tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc, chuyển đổi tập đoàn phần mềm Microsoft thành công ty thiết bị và dịch vụ. Chiến lược One Microsoft được đưa ra nhằm gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận trong công ty thay vì là các ốc đảo riêng lẻ; các nền tảng sẽ được hợp nhất lại. Cuối tháng 8, Steve Ballmer khiến toàn thế giới công nghệ ngạc nhiên với quyết định sẽ rời vị trí CEO trong vòng 1 năm hoặc ra đi ngay khi công ty kiếm được người thay thế. Những công bố được đưa ra liên tục trong thời gian ngắn cho thấy Microsoft đang vội vã thực hiện chiến lược mới khi nhận thấy ngành công nghiệp PC khó có thể cứu vãn. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, sản lượng máy tính cá nhân bán ra trên toàn cầu đã sụt giảm 5 quý liên tiếp. Thị trường hiện vẫn chưa thấy dấu hiệu hồi phục, dù bản nâng cấp Windows 8.1 chuẩn bị được tung ra.

    Việc Microsoft chịu chi 7,2 tỷ USD để “rước” cựu vương Nokia nhìn vẻ ngoài dường như đang học tập Apple xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, trong đó nhà cung cấp nền tảng phần mềm cũng là nhà sản xuất phần cứng. Steve Ballmer gọi đây là thương vụ thông minh của Microsoft vì đem về nhiều tài năng và công nghệ của Nokia. Đây cũng là bước đi phù hợp với chiến lược chuyển đổi thành công ty thiết bị và dịch vụ đã được Microsoft công bố vào ngày 11/7 vừa qua. Tuy nhiên, lý do chính không hẳn là vậy. Thực tế, Microsoft đã đầu tư không ít cho cuộc chiến di động, nhưng điện thoại Windows Phone mới chỉ đạt vỏn vẹn 3,7% thị phần smartphone toàn cầu, miếng bánh quá nhỏ so với Android (79,3%) và iOS (13,2%), theo số liệu quý 2/2013 của IDC. Đáng chú ý, góp công phần lớn cho Windows Phone vượt BlackBerry trở thành nền tảng di động lớn thứ 3 không ai khác ngoài nhà sản xuất Phần Lan. Theo IDC, Nokia chiếm đến 82% trong tổng số 8,7 triệu điện thoại Windows Phone bán ra trong quý 2, doanh số đến từ các nhà sản xuất khác như Samsung, HTC… xem như không đáng kể.

    Thế nhưng, mối nguy lớn đang đe dọa Windows Phone là Nokia đã tỏ ra đuối sức sau nhiều quý thua lỗ liên tục. Mặt khác, hợp tác chiến lược thông qua Windows Phone giữa Microsoft và Nokia ký vào năm 2011 qui định Nokia được tự do đến với hệ điều hành khác từ năm 2014. Với tình hình như hiện nay, không lấy gì đảm bảo Nokia sẽ tiếp tục con đường Windows Phone nếu vẫn quyết không rời trận địa thiết bị di động. Nhiều nhà phân tích cho rằng công ty Phần Lan rất có thể sẽ quay sang phía Android. Thậm chí, đã xuất hiện tin đồn Nokia đang sản xuất thử nghiệm điện thoại Android. Mất đạo quân chủ lực Nokia chiếm hơn 80% lực lượng smartphone Windows Phone chắc chắn sẽ là một thảm họa với Microsoft, buộc công ty phải có những quyết định kịp thời.

    [​IMG]
    Lumia 1020 chạy Windows Phone 8 là chiếc smartphone cuối cùng của Nokia được CEO Stephen Elop giới thiệu trước khi thỏa thuận Microsoft mua lại một phần Nokia được công bố.

    Khó khăn chồng chất
    Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng Windows Phone “chậm tiến” vì thiếu những tính năng “sát thủ”. Thực tế Microsoft đang phải giải bài toán khó “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Người tiêu dùng không muốn mua điện thoại Windows Phone vì quá ít ứng dụng; trong khi các nhà phát triển ứng dụng lại không mặn mà với nền tảng này vì quá ít người dùng.

    Những năm qua, cùng với trận chiến thiết bị là trận chiến lớn hơn của các hệ sinh thái. Các nhà phát triển tập trung tìm kiếm lợi nhuận trên những mảnh đất màu mỡ iOS và Android khiến những nền tảng khác, kể cả Windows Phone, không phát triển được kho ứng dụng để hấp dẫn người tiêu dùng chi tiền mua thiết bị. Thiếu sự ủng hộ của các nhà sản xuất và nhà phát triển bên ngoài, xây dựng một hệ sinh thái mạnh sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn, cho dù đó là tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới đã thiết lập nên đế chế PC Windows hùng mạnh.

    Tiền không phải là vấn đề lớn với một công ty có doanh thu hàng năm 70 tỷ USD và 77 tỷ USD tiền mặt đang nắm trong tay. Nhưng những gì Microsoft đang phải đối mặt là phải tăng nhanh nhịp độ phát triển Windows Phone để đuổi theo các nền tảng iOS và Android, và giảm giá thành thiết bị để tăng sức cạnh tranh. Theo ghi nhận của IDC, tại các thị trường mới nổi đã xuất hiện những dòng smartphone Android giá dưới 40 USD. Trong khi đó, điện thoại Windows Phone giá thấp nhất đang trên mức “trăm đô”. Trên mặt trận cao cấp, thiết bị Windows Phone chưa phải là đối thủ của iPhone và những chiến binh siêu hạng Android đến từ Samsung, Sony, HTC.

    Một điều nữa, Samsung hay HTC mới chỉ tung ra vài mẫu smartphone chạy Windows Phone, có vẻ như để thăm dò phản ứng của thị trường là chính. Thương vụ Microsoft - Nokia lại càng đẩy các nhà sản xuất khác xa lánh Windows Phone, vì gặp phải sức cạnh tranh quá lớn từ “chính chủ”. Microsoft tính tiền cấp phép sử dụng Windows Phone, trong khi Google dù đã có Motorola Mobility nhưng Android vẫn được cấp phép miễn phí và các nhà sản xuất có thể chỉnh sửa theo ý mình.

    Xét về lịch sử sản xuất phần cứng của Microsoft, người ta rất dễ nghi ngờ khả năng công ty thay đổi được cục diện cuộc chiến di động sau khi thâu tóm Nokia. Thất bại với máy nghe nhạc Zune, điện thoại Kin là những ví dụ điển hình. Mới đây nhất, báo cáo tài chính của công ty ghi nhận khoản lỗ 900 triệu USD từ chiếc máy tính bảng Surface cho năm đầu tiên lại càng củng cố mối nghi ngờ đó.

    Microsoft sẽ phải khẳng định vị thế nhà sản xuất thiết bị di động, thu hút được cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp; thuyết phục các nhà phát triển ứng dụng; hợp nhất thành công 32.000 nhân viên Nokia vào ngôi nhà chung Microsoft đang có 100.000 nhân viên – đó là những thách thức vô cùng lớn. Liệu Stephen Elop có đủ tầm để viết nên trang sử mới cho Microsoft thời hậu PC?

    Sẽ cần có nhiều thời gian để kiểm chứng, nhưng trước mắt Microsoft hẳn đang lên kế hoạch cho một thương hiệu hợp nhất giữa Lumia và các thiết bị chạy Windows khác, để sớm đưa ra chiến lược quảng cáo trên toàn cầu. Nếu thỏa thuận giữa Microsoft và Nokia được thông qua, Microsoft sẽ sở hữu các thương hiệu Lumia, Asha và có quyền sử dụng 10 năm nhãn hiệu Nokia đối với các dòng điện thoại phổ thông khác. Trong một bức thư chung, 2 CEO của Microsoft và Nokia khẳng định, bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia sẽ hồi sinh với nguồn lực dồi dào của Microsoft; trong khi hệ sinh thái của Microsoft sẽ có tiềm năng phát triển mạnh. Những ai gửi trọn niềm tin vào những chiếc điện thoại Nokia có quyền tiếp tục hy vọng. Dù vậy, thực tế có thể diễn ra không như toan tính của các bên. Mọi điều còn ở phía trước.

    Vì vậy, chớ vội mừng, đừng vội buồn.

    PC World VN, 10/2013

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Microsoft “rước” Nokia: Chớ vội mừng, đừng vội buồn

Share This Page