Cắt amidan, bé 4 tuổi sốc phản vệ nguy kịch

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 1, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 348)

    Vừa được gây mê để cắt amidan, bé Trấn Hưng (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã bị sốc phản vệ, ngừng tim, ngừng thở. Được cấp cứu kịp thời, bé tỉnh được gần một ngày lại rơi vào hôn mê.


    Sau hơn một tháng cấp cứu tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện Hưng đã có thể tự thở. Dự kiến tuần sau bé có thể xuất viện, sau đó tập phục hồi chức năng.

    Theo anh Yên, bố bệnh nhi, con anh bị viêm amidan quá phát nên được chỉ định cắt. Sáng 23/8, anh đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh làm thủ thuật. Tuy nhiên, vừa tiêm thuốc gây mê bé đã có biểu hiện sốc phản vệ. Do cháu đang ở phòng mổ nên được cấp cứu kịp thời. Hơn một tiếng sau, bé được chuyển đến phòng điều trị tích cực. Đến chiều, Hưng được rút ống nội khí quản thở máy.

    “Cứ tưởng đã qua cơn nguy kịch thì đến rạng sáng hôm sau, gia đình thấy con có hiện tượng răng nhai nghiến vào môi, sau đó mê, yếu dần. Đến ngày 25/8, mắt cháu lác hẳn sang một bên, tình trạng càng nặng hơn nên ngay trong đêm cháu được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)”, anh Yên kể lại.

    [​IMG]
    Dự kiến tuần sau Hưng có thể xuất viện để tập phục hồi chức năng. Ảnh: Nam Phương.

    Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bé Hưng nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, cấu véo không đáp ứng, cựa quậy rất ít, thở rất chậm, tím đen. Ngay lập tức các bác sĩ đã cấp cứu đặt ống nội khí quản cho thở máy. Bệnh nhi chỉ bị suy hô hấp, trong khi mạch và huyết áp ổn định.

    “Khi đó, chúng tôi nghĩ ngay đến sốc phản vệ ở pha thứ 2. Sốc phản vệ được chia ra làm hai pha, 1 và 2, trong đó sốc phản vệ pha 2 rất hay gặp ở trẻ con, với tỷ lệ khoảng 5-20%. Như bé Hưng, sau thời gian cấp cứu bé ổn định, nhưng sau đó nặng lên, phù hoàn toàn đường hô hấp (lưỡi, họng), dẫn đến tắc thở, thiếu ôxy rất nhanh”, phó giáo sư Dũng nói.

    Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy tình trạng thiếu ôxy não rất nặng. Thế nên dù kết luận bệnh nhi ổn định về chức năng sống, nhưng tiên lượng rất dè đặt, đồng tử giãn. Điều các bác sĩ trăn trở là cứu sống được trẻ nhưng phải làm sao để trẻ không phải sống cảnh thực vật.

    “Chúng tôi quyết định vừa cấp cứu vừa cho trẻ dùng thuốc để bảo vệ não. Dù chỉ còn một tia hy vọng thì vẫn phải cố, kiên trì chữa. Sau 12 ngày cấp cứu, trẻ bỏ được máy thở. Hiện nay khám thì trẻ khóc, hiểu được lời bác sĩ, đây là tín hiệu đáng mừng, thành công ngoài sức tưởng tượng. Trẻ hôn mê lâu mà được như thế này là rất tốt”, phó giáo sư Dũng chia sẻ.

    "Chưa bao giờ chúng tôi cứu ca sốc phản vệ nào nặng như thế này. Sốc phản vệ ở pha 2 rất ít gặp", phó giáo sư Dũng cho biết thêm.

    Theo các bác sĩ, sốc phản vệ xảy ra bất cứ lúc nào, không thể tiên đoán được, có thể coi là tai biến kinh hoàng cho tất cả thầy thuốc và gia đình. Việc cấp cứu tại chỗ là cực kỳ quan trọng. Điều cần lưu ý là sau khi cấp cứu luôn nhớ có thể xảy ra sốc ở pha 2. Vì thế, dù là người lớn hay trẻ con sau khi cấp cứu sốc phản vệ cần theo dõi sát trong ít nhất 48 tiếng.

    Cắt amidan thường được chỉ định trong trường hợp amidan phì đại quá lớn đè đường thở, đường ăn; gây ngủ ngáy hoặc viêm tái phát nhiều lần...

    Nam Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Cắt amidan, bé 4 tuổi sốc phản vệ nguy kịch

Share This Page