Thị trường OTT: Thời chat miễn phí đã qua rồi!

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Sep 5, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 438)

    Viber vẫn thống lĩnh vị trí dẫn đầu với định hướng thuần tuý gọi điện – chat miễn phí; Zalo, Line và Kakao Talk đang chạy đua quyết liệt với các tính năng tiện ích. Thay vì cạnh tranh với tính năng chat – thoại miễn phí, các doanh nghiệp đã hướng đến tương lai với các dịch vụ gia tăng trên nền tảng di động.


    [​IMG]
    Vẫn chạy đua về số người dùng?


    Đây là một bài toán hóc búa đối với các nhà cung cấp dịch vụ vì nếu không tiếp tục chạy đua về số người dùng, họ sẽ không có cộng đồng để phát triển các tiện ích. Doanh thu từ nguồn quảng cáo, chiến dịch marketing sẽ không dành cho các ứng dụng có quá ít người dùng.

    Hiện thời, về số người dùng thì Viber vẫn là số 1 (4 triệu người dùng từ Q1/2013); kế đến có thể là Zalo (3 triệu người dùng), Kakao Talk, Line… Các nhà cung cấp dịch vụ OTT vẫn đổ tiền vào quảng cáo giờ vàng trên truyền hình, quảng cáo ngoài trời… nhằm gợi nhớ hình ảnh và tăng nhanh số người dùng (xem bài “Cơ hội tốt cho làn sóng OTT” trên PCW tháng 6/2013)
    [​IMG]
    Đại diện Kakao Talk (VTC Online) cho biết bên cạnh việc phát triển các tính năng hiện có, công ty đang xây dựng nền tảng mở (Open Platform) nhằm đến mục đích cùng phát triển cho các ứng dụng khác muốn kết nối trên cộng đồng người dùng Kakao Talk. Đối với VTC, cuộc đua về số người dùng không phải là tất cả, quan trọng là giá trị cốt lõi mang lại cho cộng đồng (Core Value).

    Cũng như vậy, điều làm VNG hài lòng hơn trong Q2/2013 vừa qua không phải là con số 3 triệu người dùng mà chính là số lượng 30 triệu tin nhắn văn bản. Khác với người dùng Viber chủ yếu sử dụng tính năng gọi điện, người dùng Zalo nhắn tin rất nhiều và Zalo đang cố gắng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng mạng.

    Điều này cũng chứng tỏ người Việt Nam vẫn đang có nhu cầu lớn về chat miễn phí thông qua các ứng dụng OTT và Facebook.

    VNG đang có ưu thế khi họ tập trung cho thị trường Việt Nam, trong khi Viber, Kakao Talk, Line… còn phải chật vật cạnh tranh với nhau ở các thị trường khác. Tuy nhiên, Kakao Talk lại có lợi thế khi áp dụng mô hình kinh doanh thành công trên nền tảng di động từ Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

    Marketing theo kiểu mới
    Thay vì quảng cáo bằng banner trên di động, các ứng dụng OTT sẽ chuyển sang hình thức quảng cáo bằng tin nhắn (trên PlusFriend, Zalo Page…). Các hoạt động như giới thiệu sản phẩm, trả lời khách hàng, tặng phiếu giảm giá (coupon)… sẽ được hiển thị trực tiếp trên giao diện tin nhắn của ứng dụng OTT. Người dùng OTT cũng có thể gửi yêu cầu/thắc mắc với các doanh nghiệp hoặc chủ động chặn tin nhắn của các thương hiệu mà họ không yêu thích. Điều này khác hẳn với hình thức nhắn tin quảng cáo trên mạng di động vì người dùng không có quyền từ chối các tin nhắn quảng cáo này.

    [​IMG]

    Quảng cáo trên OTT

    Đây sẽ là xu thế tương lai khi số lượng người dùng smartphone – máy tính bảng tăng lên theo cấp số nhân. Sắp tới, các nhà cung cấp ứng dụng OTT sẽ phải cạnh tranh nhiều trong mảng ứng dụng quảng cáo di động/marketing này.

    Các nhà cung cấp ứng dụng OTT đang tích cực cho ra đời các trang thông tin dành riêng cho các nhãn hàng, người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên điện ảnh…). Như Kakao Talk đã ra mắt PlusFriend, còn VNG cũng trình làng Zalo Page. Zalo Page, PlusFriend sẽ trở thành công cụ marketing của các doanh nghiệp, về phía các ca sĩ, diễn viên điện ảnh… họ có thể sử dụng các trang thông tin này để giao tiếp với cộng đồng người hâm mộ.
    [​IMG]
    Ông Khải của VNG cho biết thêm Zalo Page hiện thời vẫn đang ở bước thử nghiệm và VNG không muốn người dùng bị làm phiền bởi tin nhắn quảng cáo liên tục. Người dùng Zalo sẽ đăng ký Zalo Page nếu cảm thấy thích trang thông tin của các nhãn hàng/ca sĩ…

    Trường Cao đẳng Thực hành FPT (Polytechnic FPT) là một trường hợp điển hình cho việc sử dụng Zalo Page để tạo kênh giao tiếp giữa trường học và sinh viên. Nếu cần tra cứu kết quả học tập/thời khoá biểu…, các sinh viên chỉ cần đăng ký Zalo Page của trường và gõ tin nhắn theo cú pháp quy định.

    Trong tháng 7/2013, Kakao Talk đã trình diện 2 nhãn hàng đầu tiên trên PlusFriend là SCJ TV Shopping (bán hàng trực tuyến trên truyền hình cáp SCTV) và Lotteria (nhãn hàng thươngmại của Hàn Quốc). Các thành viên Kakao Talk chỉ cần nhấn nút kết bạn trên PlusFriend để tiếp nhận hàng loạt thông tin dịch vụ/khuyến mãi từ Lotteria và SCJ.

    Hiện nay, tại Hàn Quốc có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia PlusFriend. Đặc biệt, tại Hàn Quốc không chỉ doanh nghiệp mới được tham gia PlusFriend - cá nhân cũng có thể mở gian hàng trên Plus Friend và bắt đầu kinh doanh trên mạng di động bằng cách bán hàng cho bạn bè của mình.

    Đầu tư cho dịch vụ giá trị gia tăng

    Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG cho biết công ty sẽ đầu tư nhiều để phát triển Zalo trở thành một platform (nền tảng) và tăng cường mảng dịch vụ giá trị gia tăng. Việc có thêm nhiều người dùng chỉ là một mục tiêu nhỏ, VNG muốn người dùng có thêm nhiều thứ để giải trí – sử dụng trên Zalo hơn.

    Zalo sẽ trở thành một nền tảng mở với nhiều tính năng - ứng dụng được cập nhật thường xuyên. Nền tảng này sẽ có sự tham gia cung cấp ứng dụng từ các đối tác bên ngoài; kể cả từ các đối thủ đang cạnh tranh cùng VNG trên thị trường OTT.


    4 hướng “giáp công” của Kakao Talk

    Hiện tại, Kakao Talk có 4 hướng khai thác kinh doanh trên nền tảng di động. Đó là Game, Digital Item (ảnh động, hình nền…), PlusFriend và Mobile Commerce (thương mại di động). Kakao Talk đã khai thác cả 3 hướng kinh doanh tại thị trường Việt Nam; chỉ có Mobile Commerce vẫn chưa được ra mắt chính thức.

    [​IMG]


    Hiện tại, các nhà cung cấp ứng dụng OTT như Line, Kakao Talk… cũng đẩy mạnh việc phát triển theo định hướng dịch vụ giá trị gia tăng. Kakao Talk đã xây dựng một hệ sinh thái bao gồm các tính năng tiện ích như Kakao Story, Kakao Album, Kakao Card… Trên Zalo sắp tới có thể sẽ có thêm các tiện ích nhạc chờ (ringtone), game…

    Trong khi đó, Công ty NHN (phát hành Line) dốc vốn đầu tư mạnh vào mảng thông tin về các ngôi sao trong lĩnh vực ca nhạc/điện ảnh Hàn Quốc, Việt Nam… Trang web Line2day của NHN đưa các chủ đề nóng về thế giới giải trí showbiz và các thông tin này được kết nối liên tục với ứng dụng Line trên di động.

    Người dùng Line sẽ liên tục được cập nhật các thông tin về các sự kiện nóng, câu chuyện hậu trường… của giới showbiz. Ứng dụng Line cũng được kết nối với các hoạt động off-line như tặng vé xem phim “bom tấn”, giới thiệu bộ sưu tập ảnh các ngôi sao…

    Theo ông Nguyễn Thanh Hoà, Giám đốc điều hành Wala thì công ty sẽ không tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng OTT. Wala sẽ phát triển theo hướng khác, tạo ra platform (nền tảng) cung cấp các tiện ích di động.

    Wala Live là một tính năng mới, tạo kênh giao tiếp – chia sẻ thông tin cho tất cả các thành viên Wala. Người dùng Wala sẽ tạo ra sự kiện hàng ngày bằng hình ảnh một cách sống động nhất. Nếu như mạng xã hội di động chỉ kết nối bạn bè với nhau thì Wala kết nối tất cả các thành viên Wala với nhau thông qua các ứng dụng tiện ích.

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Thị trường OTT: Thời chat miễn phí đã qua rồi!

Share This Page