'Lành chữa thành què' tại nhà thầy lang vườn

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Aug 24, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 395)

    Anh Thành, 27 tuổi (Thái Bình) bị đau vai gáy nên tìm đến một cơ sở khám chữa tư nhân để tiêm. Sau vài ngày, anh càng đau nhiều hơn, người mệt mỏi nên phải vào viện và hiện trong tình trạng nguy kịch.


    Chàng kỹ sư người Thái Bình nhập viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi, não, tim mạch, có hội chứng suy hô hấp tiến triển. Mặc dù được điều trị tích cực mấy ngày qua, nhưng tình trạng của anh vẫn chưa ổn, thậm chí có biến chứng huyết khối tim mạch nhiều nơi - tình trạng dễ dẫn đến nhồi máu tim, tắc tĩnh mạch. Các bác sĩ tiên lượng anh Thành khó qua khỏi.

    Một trường hợp khác, cụ bà 65 tuổi người Bắc Giang phải vào điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng hôn mê sau khi tiêm chữa đau cột sống, thắt lưng tại một cơ sở trong xã. Sau khi tiêm vài hôm, bệnh nhân sưng chân, sốt cao, đau lưng nhiều hơn. Các bác sĩ bệnh viện xác định bà bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng, phải điều trị bằng kháng sinh và lọc máu.

    Trường hợp thứ ba là một phụ nữ 34 tuổi ở Nam Định, cũng bị đau khớp, nghe người mách một thầy lang ở Thanh Hóa có thể chữa khỏi bằng thuốc nam, nên đã tìm đến tận nơi mua. Sau một tháng uống thuốc do "thầy lang" bốc, cộng với sử dụng paracemol liều cao liên tục để giảm đau, bệnh nhân thấy vàng da, mệt mỏi. Khi nhập viện, chị đã ở tình trạng suy gan thận và nhanh chóng tử vong.

    [​IMG]
    Chăm sóc bệnh nhân tại khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: PTT.

    Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các trường hợp trên nhập viện trong vòng một tuần qua đều do sử dụng các bài thuốc đông y và phương pháp tiêm truyền không đảm bảo vệ sinh của “thầy lang vườn”. Khi được hỏi, người nhà không biết người bốc thuốc, tiêm cho người thân mình có bằng cấp gì không, có được cấp phép không, mà chỉ đến vì nghe truyền, mách nhau.

    "Những trường hợp này ban đầu chỉ gặp vấn đề không quá nghiêm trọng như đau vai gáy, xương khớp... nhưng lại dẫn đến nguy kịch sau khi điều trị tại nhà 'thầy lang vườn'. Nếu người bệnh hiểu là mũi tiêm kia không có tác dụng chữa bệnh, chỉ để giảm đau, và có thể gặp nhiều nguy cơ nếu không được vô trùng cẩn thận, hay bệnh viêm khớp không thể chữa khỏi hẳn mà chỉ có thể thuyên giảm... thì có thể tránh những hậu quả này", bác sĩ Thạch nói.

    Trước đó, khoa từng gặp nhiều trường hợp nhiễm khuẩn, ngộ độc khi tiêm truyền, uống thuốc của các "ông lang vườn".

    Ông cho biết, hiện nay nhiều người quá lạm dụng việc tiêm truyền mà không biết thao tác này nếu không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn có thể gây hậu quả khôn lường. Có những bệnh, về mặt chuyên môn, các bác sĩ chắc chắn sẽ không chỉ định tiêm truyền.

    Theo bác sĩ, thuốc đông y là tốt, nhưng hiện nay nhiều loại được phát hiện chứa hàm lượng độc tố như chì, thủy ngân rất cao, có khả năng gây hại cho người dùng. Không những thế, các “thầy lang vườn” hành nghề chui không quan tâm nhiều đến chất lượng thuốc đông y, không chú ý vấn đề vệ sinh, vô trùng dụng cụ kim châm, chọc... và thậm chí còn tùy tiện trộn thêm nhiều loại thuốc tây y như corticoid (với tác dụng giảm đau nhanh) vào điều trị cho người bệnh, gây nguy cơ lớn người bệnh bị ngộ độc, nhiễm trùng...

    Do vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị, tránh nghe theo lời đồn thổi về phương pháp chữa bệnh không khoa học hoặc tìm đến địa chỉ thiếu tin cậy có thể rước họa vào thân.

    Minh Thùy

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Lành chữa thành què' tại nhà thầy lang vườn

Share This Page