Uốn 3 tấc lưỡi để tránh 'vạ miệng' lỡ cuộc tình

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, Aug 1, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 309)

    Nhàn và Dũng "chiến tranh lạnh" hơn tuần nay. Căn nguyên xuất phát từ một lời nói không đáng có của nàng: "Anh không lãng mạn bằng anh ấy, lại còn cục mịch, không thông minh, không chí tiến thủ...".


    Thanh Nhàn 23 tuổi, làm tại một văn phòng công chứng ở Thanh Xuân, Hà Nội, cùng bạn trai yêu nhau từ thời sinh viên. Chưa bàn đến lễ cưới nhưng cả hai đã qua nhà nhau chơi. Bạn trai Nhàn là người hiền lành, tốt tính, duy chỉ có một điều cô không chấp nhận nổi là tính khí trẻ con, ham chơi.

    Cô gái cho biết, Dũng hơn cô một tuổi nhưng không biết tính toán cho tương lai, một tuần ngoài đi làm thì chỉ biết đá bóng và điện tử, lại hiếm khi đi chơi cùng cô. Tuần trước tủi thân, cô trách móc, so sánh ngày mới yêu cậu nhiệt tình và bây giờ vô tình. Lời qua tiếng lại, Dũng tự ái: "Ừ, thì anh không tốt bằng gã người yêu cũ của em". "Gã người yêu cũ" Dũng nhắc là người từng thích Nhàn nhưng cô không thích.

    Thấy oan uổng, Nhàn lấn tới: "Biết thế ngày xưa tôi đồng ý anh ấy. Giờ người ta đã lên chức trưởng phòng, đi nước ngoài như cơm bữa còn anh lương 3 cọc 3 đồng, đến mời bạn gái uống một cốc nước cũng tiếc không đi". Cô gái nhớ lại lời "giận mất khôn"ấy khiến Dũng choáng váng. Đôi bạn giận nhau cả tuần không gặp mặt. Nhàn biến mình có lỗi, chủ động nhắn tin. "Giờ chúng em đã làm hòa nhưng anh bảo sau chuyện đó không còn yêu em như trước nữa. Càng nghĩ em càng không chấp nhận nổi", cô gái trẻ buồn.

    Tết vừa rồi, Quang (sinh viên năm 3) đến chơi nhà Khuyên, bạn gái cũng là sinh viên cùng trường. Tình yêu đầu mới chớm, cả hai đều bỡ ngỡ nên cậu phải rủ thêm vài người bạn cấp 3 để tăng phần tự tin. Chợt thấy bức ảnh có cậu bạn học cấp 3 trên bàn nhà người yêu, Quang vỗ vai người bên cạnh: "Thành, đây chẳng phải là thằng Bình 'bẩn', hồi cấp 3 tôi với ông từng choảng đó sao. Ái chà, giờ nhìn nó cũng sáng sủa ra phết, không biết đang học trường gì".

    Khuyên tái mặt, Quang tiếp tục oang oang: "Mày có biết sao nó bị gọi là Bình 'bẩn' không? Tao nghe mấy đứa nói bố nó hay lẩm bẩm, nói cả ngày nên làng xóm đặt biệt danh 'Bẩm'. Ở trường, bọn mình không nghe rõ lại phiên nó thành Bình 'bẩn', mà kể ra cái tên đó cũng hợp với nó còn gì".

    Ông Tý "bẩm" - bố Bình "bẩn" - đứng ngoài hiên nghe được giận sôi mặt, bước vào bàn tiếp khách. "Bác ấy lạnh lùng ngồi xuống ghế rồi bảo Khuyên: 'Hôm nay anh Bình... bẩn đã gọi về chưa? Khổ thân thằng bé một mình trong Nam không biết ăn uống thế nào'. Tôi nghe mà ngớ cả người, hóa ra Bình là anh trai người yêu mà không biết", Quang xấu hổ.

    Chàng trai cũng cho biết, câu chuyện trên nay đã thành giai thoại cho các bạn trêu ghẹo cậu. Chuyện tình cảm của cậu và Khuyên cũng "căng như dây đàn" một thời gian do bị ông "Tý Bẩm" vùi dập. Giờ thì ông cụ đã thoáng hơn nhưng cậu vẫn thường xuyên phải chịu trận.

    "Mỗi lần qua nhà cô ấy chơi, nào có được nói chuyện với nhau. Chẳng cần có rượu hay không, bố vợ vẫn say sưa giảng dạy. Hôm may mắn thì nửa tiếng, hôm nào mà bị giữ lại ăn cơm thì coi như bị xoay như chong chóng cả buổi, hết văn thơ, chữ nghĩa, đạo làm người...", chàng trai vò đầu khốn khổ.

    Anh Hùng (23 tuổi, sửa chữa điện lạnh ở Chương Mỹ, Hà Nội) còn thê thảm hơn. Anh đã đánh mất cô gái "đáng giá" nhất làng cũng chỉ vì một tích tắc vạ miệng. Hùng rất thích Huyên ở cùng xóm, làm văn thư cho xã. Bố mẹ Huyên chỉ làm nông nhưng nuôi 4 người con đều đại học, cao đẳng và đã có công ăn việc làm đầy đủ.

    Huyên là con út trong nhà, hơi thấp nhưng xinh, tốt nết. Cậu có ý với cô từ ngày ra Ủy ban xã xin dấu, sau đó thì theo đuổi. Hùng cảm nhận Huyên cũng có ý với cậu, chưa nhận lời yêu nhưng đêm nào hai người cũng nhắn tin vu vơ trước lúc ngủ cả tiếng.

    "Một tối, tôi đến nhà Huyên chơi. Vừa bước vào cổng, mấy con chó lao ra sợ chết khiếp. Ông bố hơn 60 tuổi bấm đèn pin ra quát. Ông rót nước tiếp chuyện tôi. Thế là tôi mở đầu cuộc trò chuyện bằng một việc trời ơi đất hỡi: 'Nhà bác nhiều chó thật đấy, mà toàn chó dữ'...", chàng trai đẹp mã gãi đầu. Tưởng cậu thanh niên bóng gió, ông già nổi trận lôi đình đuổi Hùng ra khỏi nhà: "Tôi cấm cậu bước cửa vào nhà tôi. Ba tuổi ranh mà mất dạy, không xem ai ra gì...".

    Bà Nguyễn Hồng Mai - giảng viên bộ môn Văn hóa gia đình, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, trên đời có một số điều không thể lấy lại, trong đó có "lời đã nói". Cho nên người xưa mới có câu "Chỉ cần 2 năm để học nói, nhưng cần 60 năm để học cách im lặng".

    Vạ miệng, lỡ lời thường dùng cho các trường hợp không có sự ăn khớp giữa lời đã nói và động cơ, làm cho người nghe hiểu sai ý người nói và người nói phải chịu họa. Thường thì những người có kinh nghiệm sẽ tránh chuyện vạ miệng, nhưng các bạn trẻ đôi khi không xử lý được mâu thuẫn này.

    "Người trẻ thường có suy nghĩ phải sống thành thật, trung thực nên luôn 'nói toạc móng heo', không tế nhị. Trong một số trường hợp, lời nói dối ngọt ngào vẫn tốt hơn rất nhiều lời nói thật phũ phàng", giảng viên Nguyễn Hồng Mai nhận định.

    Tư cách đạo đức của một người không chỉ biểu hiện ở nét mặt, lời nói mà chính là suy nghĩ trong đầu. Người đối diện lại không biết điều này, chỉ nhìn bề ngoài để đánh giá. Vậy nên, theo bà Mai, khi nói chuyện, nhất là lúc giao tiếp trong công việc, bạn bè, tình yêu nên chú ý có sự thống nhất giữa lời nói với suy nghĩ.

    "Để làm được việc này cần 'uốn 3 tấc lưỡi trước khi nói', học nói sao cho lọt tai là kỹ năng tất cả mọi người đều cần. Một khi đã lỡ miệng, để lại ấn tượng xấu thì hãy dùng thời gian để chứng minh cho đối tác biết sự thật về con người bạn", bà Nguyễn Hồng Mai chia sẻ.

    * Tên một số nhân vật đã thay đổi.

    Thanh Thu

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Uốn 3 tấc lưỡi để tránh 'vạ miệng' lỡ cuộc tình

Share This Page